Hậu Giang: Hơn 782 tỷ đồng dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường Tết

NDO - Chiều 4/1, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, Nguyễn Văn Quân cho biết, thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các doanh nghiệp và 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tham gia với tổng giá trị hàng hóa hơn 782 tỷ đồng để phục vụ mua sắm của người dân, tăng hơn 1,2 tỷ đồng so cùng kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống siêu thị Co.opmart Vị Thanh và Ngã Bảy chuẩn bị hàng hóa trị giá gần 17 tỷ đồng phục vụ người dân mua sắm.
Hệ thống siêu thị Co.opmart Vị Thanh và Ngã Bảy chuẩn bị hàng hóa trị giá gần 17 tỷ đồng phục vụ người dân mua sắm.

Trong đó, tổng giá trị hàng hóa tại 8 huyện, thị xã, thành phố dự trữ để buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là trên 450 tỷ đồng, tăng 130 tỷ đồng so năm 2022; 9 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa đạt trên 332 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so năm 2022.

Theo Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Nguyễn Văn Quân, nguyên nhân giảm là do tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, vì vậy các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu chỉ dự trữ đủ cung ứng cho người dân dịp mua sắm cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì tăng lượng dự trữ so năm 2022, từ 15 tỷ đồng lên trên 197 tỷ đồng nhằm bảo đảm nguồn cung ứng để phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân và trong sản xuất.

Về giá bán hàng hóa bình ổn thị trường do doanh nghiệp tham gia Chương trình xây dựng và thực hiện đăng ký với Sở Công thương, Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm ít nhất là 5% (trừ giá xăng, dầu phải bán theo giá công bố của Liên Bộ Công thương-Tài chính).

Hậu Giang hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 33 cửa hàng bách hóa và 72 chợ phân bố đều trên 8 huyện, thị xã, thành phố. Theo kế hoạch, các địa phương trong tỉnh bố trí hơn 4.500 lô, sạp để các tiểu thương mua bán dịp Tết.

Hậu Giang: Hơn 782 tỷ đồng dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường Tết ảnh 1
Người dân bắt đầu đi mua sắm hàng hóa thiết thiếu chuẩn bị cho ngày Tết.

Sở Công thương cũng đã có kế hoạch phối hợp ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá.

Các địa phương kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương trong chợ thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm… trong kinh doanh, buôn bán tại chợ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; kiểm tra, phát hiện, xử lý theo quy định và theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng chương trình để thực hiện những hành vi vi phạm trong kinh doanh làm ảnh hưởng uy tín của chương trình.

Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp Cục quản lý thị trường, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, gây sốt giá; kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác; gian lận thương mại,.…