Bình ổn thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết

Ngành Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là các đơn vị tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, đang tích cực chuẩn bị hàng chục nghìn tấn hàng hóa với nhiều ưu đãi để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty VISSAN kiểm tra sản phẩm lạp xưởng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. (Ảnh CTV)
Công nhân Công ty VISSAN kiểm tra sản phẩm lạp xưởng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. (Ảnh CTV)

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã chuẩn bị và dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu có tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022). Cùng với đó, hệ thống bán lẻ thuộc SATRA (gồm ba siêu thị và gần 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ) đã có kế hoạch hoạt động trong mùa Tết, bảo đảm cung cấp hàng hóa đến người tiêu dùng với số lượng, chủng loại phong phú, mẫu mã đa dạng… Với mặt hàng thực phẩm, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) đã có kế hoạch dành hơn 710 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022) để cung ứng ra thị trường mùa Tết này khoảng 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với cùng kỳ và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kỳ. Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền (chợ đầu mối nông sản, thực phẩm lớn nhất thành phố) cho biết: Trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa vào chợ có thể tăng bình quân từ 20% đến 35% so với ngày thường, đặc biệt các ngày cao điểm (từ 26 tháng Chạp âm lịch), sản lượng có thể tăng từ 30% đến 50%, đạt khoảng 3.500 tấn đến 4.500 tấn/đêm…

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Saigon Co.op) sẽ tăng khối lượng thực phẩm tươi sống gấp đôi so với thông thường để các hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile… phục vụ tốt mùa mua sắm cao điểm Tết. Các mặt hàng bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu cũng được tăng lượng dự trữ từ 10% đến 50% so với ngày thường, tăng trung bình 20% so với cùng kỳ năm 2021. Các hệ thống bán lẻ khác cũng tăng cường lượng hàng hóa cho mùa Tết này. Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam lên kế hoạch dự trữ lượng hàng hóa tăng từ 20% đến 30% so với Tết Nhâm Dần 2022 và tăng từ 40% đến 50% so với những tháng bình thường. Riêng lượng hàng thực phẩm tươi sống và tiêu dùng thiết yếu, bánh, kẹo, mứt tăng đến 100%. Hệ thống siêu thị AEON Việt Nam dự kiến tăng từ 15% đến 20% lượng hàng hóa trong tháng cao điểm Tết, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn. Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương thành phố) cho biết: Các đơn vị bình ổn thị trường dành hơn 20 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ hai tháng Tết này. Bình quân trong một tháng, lượng lương thực đạt hơn 5.235 tấn, khoảng 54,4 triệu quả trứng gia cầm, hơn 8.481 tấn thịt gia cầm, khoảng 5.603 tấn thịt gia súc, hơn 9.255 tấn rau-củ-quả… Dự kiến, lượng hàng hóa nhập về ba chợ đầu mối của thành phố trong những ngày cận Tết tăng khoảng 80% so với ngày thường, đạt từ 13.000 đến 15.000 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi khác cũng có kế hoạch tăng lượng hàng hóa phục vụ Tết từ hai đến ba lần so với tháng thông thường.

Phó Tổng Giám đốc VISSAN Phan Văn Dũng cho biết: "Các đối tác đầu vào đã ký cam kết với chúng tôi về việc giữ giá nguồn nguyên liệu tươi sống (chủ yếu là thịt heo) ổn định trong ba tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Còn với thực phẩm chế biến, chúng tôi đã triển khai công tác dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất từ tháng 6/2022. Cùng với đó, VISSAN thường xuyên xem xét, rà soát tất cả các khâu trong quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh để cắt giảm chi phí hoạt động, đầu vào và chấp nhận chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng. Nhờ đó, VISSAN luôn cam kết giữ giá ổn định, thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10%, không điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm trước, trong và sau Tết". Đồng thời, VISSAN cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng thực phẩm chế biến và tươi sống với mức giảm từ 5% đến 10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty, nhất là vào những ngày cuối tuần. Đặc biệt, trong ba ngày 28, 29 và 30 Tết, VISSAN có chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc để tạo điều kiện cho người lao động gặp khó khăn mua sắm thực phẩm Tết. Ngoài ra, để phục vụ người tiêu dùng tiện lợi và nhanh chóng hơn, VISSAN còn bán sản phẩm trên kênh bán hàng trực tuyến Vissanmart.com và các nền tảng thương mại điện tử như SendoFarm, Foody, Grab, Loship, TikiNgon, Pinnow…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, Saigon Co.op dành phần lớn ngân sách hàng Tết đầu tư vào chín nhóm hàng bình ổn thị trường là gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau-củ-quả, thủy-hải sản. Cùng với đó, các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op tiến hành giảm giá, khuyến mãi liên tục hằng ngày từ nay đến Tết Nguyên đán; nhất là thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm thiết yếu phục vụ Tết và có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn trong 10 ngày cận Tết để giảm áp lực mua sắm cho người dân... Với mặt hàng bánh, kẹo, quà Tết, hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op áp dụng chính sách khuyến mãi, chiết khấu đến 15% cho khoảng 3 triệu giỏ quà Tết, được gói theo yêu cầu của khách hàng và doanh nghiệp. Bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc SATRA cho biết: Trung tâm phân phối Satra đã làm việc với các nhà cung cấp, tiến hành ký cam kết giữ giá ổn định, bảo đảm chất lượng nguồn hàng; không để xảy ra tình trạng hàng tăng giá, kém chất lượng, thiếu hụt hàng hóa phục vụ khách hàng trong dịp Tết.

Trong những ngày cuối năm và cận Tết, Sở Công thương thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình cung-cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung-cầu, ổn định thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp sở công thương các tỉnh, thành phố khác theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết... và đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt gia súc cùng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường mùa Tết... để có điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ, vận động các hệ thống phân phối chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng.