Tạo động lực cho cán bộ, công chức
Kể từ sau Đại hội Đảng bộ TP Vũng Tàu lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, TP Vũng Tàu đã luân chuyển, điều động 30 cán bộ từ thành phố về các phường, xã và ngược lại. Số cán bộ này, sau khi nhận nhiệm vụ công tác mới đều thể hiện được năng lực và phẩm chất, được đồng nghiệp tin tưởng, đánh giá cao. Một số cán bộ được tín nhiệm vào cấp ủy, được quy hoạch vào những vị trí chủ chốt tại địa phương. Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận cho biết: Để việc điều động, bố trí cán bộ chính xác, phù hợp năng lực, trình độ thì công tác đánh giá phải được đặt lên hàng đầu. Cán bộ lãnh đạo cấp trên khi nhận xét, đánh giá cán bộ cấp dưới phải công tâm, phải nhìn được mặt mạnh, mặt yếu của từng người. Đánh giá chung chung, cảm tính không những không làm cán bộ, công chức trưởng thành mà còn khiến họ không tâm phục, khẩu phục, nảy sinh tâm lý đối phó, chán nản, nội bộ mất đoàn kết, làm giảm tính chiến đấu của tổ chức, cấp ủy đảng.
Chia sẻ về những khó khăn trong đánh giá cán bộ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Sầm Văn Mão cho biết: Đánh giá cán bộ là đánh giá con người, cho nên bao giờ cũng khó. Thực tiễn công tác cán bộ cho thấy, muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, người cán bộ phải có trình độ. Tuy nhiên, không phải ai có bằng cấp chuyên môn cũng có trình độ tương ứng. Và không phải ai có trình độ chuyên môn cũng có phẩm chất chính trị, đạo đức vững vàng. Bởi vậy, có người làm lãnh đạo, quản lý, có bằng cấp cao nhưng năng lực chuyên môn yếu, cậy thế cấp ủy, thủ trưởng để áp đặt cấp dưới. Cũng theo ông Sầm Văn Mão, năm 2017 là năm thứ tư liên tiếp Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xếp hạng và công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) để đánh giá năng lực của hệ thống cơ quan hành pháp địa phương. Kết quả công bố chỉ số CCHC là tiêu chí quan trọng đánh giá thi đua với các tập thể, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ; là cơ sở để xem xét, bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ, công chức. Đơn cử tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc), một trong những xã nhiều năm nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng, các đồng chí lãnh đạo xã, trưởng các bộ phận cũng nhiều năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Sở Nội vụ đã kiến nghị nhiều giải pháp, kể cả thay thế, luân chuyển cán bộ yếu kém, để sớm khắc phục những hạn chế.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lưu Tài Đoàn cũng cho biết: Bên cạnh việc tổ chức đánh giá cán bộ, công chức hằng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm kiểm tra, sát hạch đối với cán bộ, trước mắt là cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và công chức cấp xã. Mục đích là đánh giá lại thực trạng của cán bộ, công chức đối với yêu cầu vị trí đang đảm nhiệm, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp. Các vị trí dự kiến kiểm tra, sát hạch trong thời gian tới là lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban của một số sở, ngành có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, như các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư...
Đánh giá cán bộ phải gắn với nhiệm vụ được giao
Trong các đề án, kế hoạch về công tác cán bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều xác định đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa quyết định. Chỉ có đánh giá đúng mới có cơ sở đúng để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí... cán bộ được khách quan, chính xác. Chỉ ra được những ưu điểm, thế mạnh cũng như những khuyết điểm, hạn chế không chỉ giúp cán bộ, công chức nhìn nhận chính xác hơn về bản thân, qua đó rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu mà còn tạo không khí đoàn kết, tin tưởng trong tập thể, tổ chức. Bí thư Đảng ủy phường Thắng Nhất (TP Vũng Tàu) Đào Xuân Hữu chia sẻ: Đánh giá cán bộ, công chức cần công khai, minh bạch, trên tinh thần xây dựng. Phải xem khuyết điểm, hạn chế của đồng chí, đồng nghiệp như khuyết điểm của bản thân mình. Mình chỉ ra khuyết điểm để giúp đồng chí, đồng nghiệp phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Lợi dụng việc đánh giá để trù dập cán bộ, sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, là môi trường xấu để những kẻ cơ hội, biến chất có điều kiện phát triển.
Là người nhiều năm công tác trong ngành nội vụ, ông Sầm Văn Mão cho biết: Đánh giá cán bộ là việc khó bởi không phải ai cũng nhìn được cái “tâm”, cái “tầm” và những suy nghĩ của người khác. Chúng ta phải thừa nhận có một bộ phận cán bộ nghĩ khác nói khác, nói khác làm khác và nói nhưng không làm. Đã có không ít cán bộ thoái hóa, biến chất, lọt qua khâu đánh giá quan trọng này để trở thành cán bộ nguồn, cán bộ quy hoạch, rồi tuần tự theo quy trình trở thành cán bộ lãnh đạo.
Để xảy ra tình trạng trên một phần do công tác quản lý cán bộ, công chức chưa sâu sát; tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn nặng nề; nhưng quan trọng hơn cả là chưa gắn việc đánh giá cán bộ với kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao hoặc đánh giá chung chung, hình thức. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lưu Tài Đoàn chia sẻ: Hai năm trở lại đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra nhiều giải pháp nhằm làm thay đổi về “chất” việc đánh giá cán bộ trên địa bàn, trong đó chú trọng gắn đánh giá cán bộ, công chức với việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí để “lượng hóa” việc đánh giá, nhận xét cán bộ hằng năm. Theo đó, hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên là: kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Trên thực tế, đánh giá cán bộ cũng cần xem xét quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các chức danh mà cán bộ đó được giao đảm nhiệm. Những kết quả trong công tác cán bộ nói chung và những đổi mới trong đánh giá cán bộ nói riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, dù đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, vẫn rất cần những nghiên cứu, tổng kết một cách bài bản, khoa học, sát tình hình thực tiễn của địa phương.