Hậu Giang chuyển mạnh từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”

NDO - Sáng 18/9, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về triển khai Kế hoạch khắc phục hạn chế các chỉ số cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh chỉ đạo tại hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị đã tập trung đánh giá những hạn chế dẫn đến điểm các nội dung, chỉ số thành phần của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI sụt giảm so với năm trước. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để xây dựng hoàn chỉnh Kế hoạch khắc phục hạn chế các chỉ số cạnh tranh của tỉnh.

Theo đó, các ngành, các cấp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc cải thiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban ngành, địa phương phải thể hiện rõ quyết tâm cải cách hành chính; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chung của tỉnh về cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh; từng tiêu chí, tiêu chí thành phần bị trừ điểm trong năm 2021 phải gắn với giải pháp khắc phục cụ thể, xác định rõ ràng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời gian hoàn thành.

Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Qua đó, nhằm tập trung cải thiện kết quả các chỉ số cạnh tranh trong năm 2022 theo hướng nâng cao điểm số cũng như duy trì, phát huy kết quả thứ hạng PCI và PAR INDEX.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh, nhấn mạnh: Phương châm là phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ. Đồng thời, xem việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp hoạt động là trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu: Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, thông tin việc thực hiện giải pháp cải thiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh để người dân, doanh nghiệp biết và tích cực tham gia góp ý và thực hiện. Trên tinh thần Kế hoạch chung của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần quan tâm xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình để sớm tổ chức triển khai, thực hiện đạt hiệu quả cao. Đối với cấp xã, lưu ý phân công cán bộ phụ trách bộ phận một cửa đảm bảo vị trí việc làm, trình độ chuyên môn theo quy định cũng như bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ tại đơn vị.

Theo báo cáo, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của tỉnh Hậu Giang đạt 86,77/100 điểm, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 4/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tăng 1 bậc so với năm 2020. Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 84,64%, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và thứ 12/13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, tăng 2 bậc so với năm 2020.

Trong khi đó, Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh đạt 42,16/80 điểm, giảm 1,61 điểm (có 5/8 tiêu chí giảm điểm) và xếp 33/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm trung bình cao, tương đương giảm 6 bậc so cả nước và tăng 2 bậc so với đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 63,80/100 điểm, đứng vị trí thứ 38/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2020), đứng vị trí thứ 9/13 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giảm 2 bậc so với năm 2020), xếp nhóm hạng trung bình.