Hậu Giang: Cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế được hỗ trợ từ 20 triệu đến 200 triệu đồng

Ngày 29/3, tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 19 nghị quyết quan trọng, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp.

Trong đó, việc xem xét và thông qua nghị quyết quy định về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được đại biểu đặc biệt quan tâm.

Theo quy định, sự hỗ trợ này sẽ áp dụng ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện cơ quan có thẩm quyền xem xét bao gồm: Có 1 năm trước liền kề thời điểm xem xét, được cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ cá nhân, tự nguyện thực hiện tinh giản (đối tượng này nếu thực hiện theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế thì không áp dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này).

Có 2 năm trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm xem xét được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ cá nhân, tự nguyện thực hiện tinh giản.

Có 2 năm trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm xem xét được đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp hơn cán bộ khác cùng cơ quan, đơn vị, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản.

Cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế.

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện cấp có thẩm quyền xem xét tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này được cơ quan vận động tinh giản biên chế nhưng không tự nguyện tinh giản biên chế, nếu trong trường hợp năm liền kề tiếp theo, cán bộ, công chức, viên chức đó vào diện phải tinh giản biên chế theo quy định chung của Nhà nước thì không được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính tinh giản biên chế của tỉnh.

Về mức hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế, ngoài chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, thì cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế được hưởng thêm chính sách hỗ trợ tài chính của tỉnh.

Theo đó, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế với mức 20 triệu đồng/năm, tính số năm công tác còn lại đến tuổi nghỉ hưu, nhưng tổng số tiền được hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/người và số năm được hưởng hỗ trợ không được nhiều hơn tổng thời gian đã công tác của người tự nguyện tinh giản biên chế.

Thời gian tính hưởng chính sách là một năm (đủ 12 tháng); trong trường hợp có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến đủ 6 tháng được tính là ½ năm; từ hơn 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là một năm.

Nguồn kinh phí được thực hiện từ ngân sách Nhà nước, thực hiện theo phân cấp ngân sách.

Hậu Giang: Cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế được hỗ trợ từ 20 triệu đến 200 triệu đồng ảnh 1
Đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu tại kỳ họp.

Theo đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang, việc thông qua nghị quyết quy định về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế giai đoạn 2024-2026 có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Việc thực hiện tinh giản biên chế có chỉ tiêu cứng (ngoài chỉ tiêu biên chế Trung ương giao giai đoạn 2024-2026) để tuyển dụng thay thế bằng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, góp phần nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.