Hát lăng cầu ngư Tuy Hòa


Ngư dân làng biển Tuy Hòa (Phú Yên) từ bao đời nay đối mặt với biển cả. Có những lúc giông tố ập đến bất chợt, con người phải chống chọi quyết liệt trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cũng như người dân biển trên mọi miền đất nước, đã từ lâu ngư dân làng biển Tuy Hòa xây lăng tôn thờ "Ông Nam Hải". Mỗi lần "Ông lụy" (cá Ông chết trôi dạt vào bãi biển) là ngư dân chôn cất chu đáo, có cả nhạc lễ tôn nghiêm. Sau đó họ lấy cốt an táng trong lăng với lòng thành kính.

Ngày xưa làng biển Tuy Hòa còn nghèo nàn, lạc hậu. Ngư dân lênh đênh trên biển bằng những chiếc ghe nan với sức chèo chống bằng đôi tay lực lưỡng của sức trẻ. Lưới đánh cá chủ yếu là vải sợi xe nhỏ nhuộm với nước rễ cui cho ra lưới mầu đà. Ngư phủ phát hiện cá bằng mắt thường. Nếu là cá chù, cá ồ, cá bông nổi lên từng vùng gọi là món cá. Đi đến đâu cá mống sủi bọt lăn tăn, có khi cá nhảy vọt lên khỏi mặt nước rồi rơi tõm xuống biển trông bắt mắt. Ngư dân trên các ghe thuyền hò la, chung sức chèo ghe thuyền, giăng lưới vây đón đầu món cá đang di chuyển. Vậy mà có những thuyền nghề đánh bắt được cả muôn cá (1 muôn = 10.000 con, 1 thiên = 1.000 con, 1 lằm = 100 con).

Có lẽ vào cái thời xa xưa ấy người không đông, phương tiện đánh bắt thô sơ nên nguồn cá dồi dào vô cùng! Chính vì phương tiện đánh bắt quá thô sơ nên mỗi lần có giông tố, lốc xoáy bất ngờ thì ngư dân khó bề sống sót. Thế nên trong dân gian từ lâu đời người ta có lời khuyên chớ nên lấy chồng xứ biển: "... Đừng lấy chồng biển hồn treo cột buồm". Khó sống sót không có nghĩa là không sống sót, thực tế có những người trải qua cuồng phong, giông tố vẫn sống được nhờ loài cá cứu vớt đưa tận vào bờ. Vua Gia Long phong cho loài cá ấy là: "Nam Hải tôn thần", còn ngư dân làng biển thì quen gọi là "cá Ông" hoặc "Ông Nam Hải". Sau này các nhà khoa học xác định đó là loài cá heo tinh khôn và hiền lành.

Trong tâm linh của người dân làng biển Tuy Hòa "Ông Nam Hải" không chỉ là tôn thần cứu vớt tai nạn cho người dân hành nghề trên biển mà còn phò trợ cho trời yên biển lặng, bà con làm ăn may mắn, phát đạt.

Hằng năm vào tháng tư, tháng năm (âm lịch), những đêm trăng thanh gió mát, ngư dân tự nguyện đóng góp tiền bạc, công sức tổ chức hát lăng cầu ngư. Người chủ tế hát lăng cầu ngư thường là người cao tuổi, tốt tướng, có nhiều uy tín trong làng, con cháu sung túc, đề huề và không bị tang chế. Người chủ tế ăn chay nằm đất trước khi đi "Nghinh Ông". Đó là đoàn người áo mão xênh xang, cờ gióng, trống rung do người chủ tế dẫn đầu về lăng rước Ông đưa ra biển làm lễ "chém trùng", cúng tế rồi mới bắt đầu hát bội. Trong cúng tế ngư dân thường tổ chức hò ba trạo. Một đoàn người mặc áo quần rực rỡ như cảnh lính thú thời xưa, cầm chèo chia làm hai hàng, chính giữa có một người chủ xướng ăn mặc cầu kỳ, đầu choàng khăn oai vệ. Anh ta bắt giọng hò ngọt ngào để cả đoàn hò theo. Đó là những điệu hò thể hiện tính cộng đồng khi đánh bắt trên biển cũng như lúc thuyền về bến, cá đầy khoang. Sân khấu hát bội được cất ngay trên bãi biển.

Đối với ngư dân, hát lăng cầu ngư có hai phần rõ rệt: Lễ và Hội. Trong lễ bao giờ cũng phải hát tuồng "Quan Công phò nhị tẩu". Đó là điều bất di bất dịch, là điểm tựa về mặt tâm linh. Sau đó là phần hội mua vui cho bõ những tháng ngày lênh đênh, nhọc nhằn trên biển cả.

Từ lễ hội làng biển Tuy Hòa trở thành lễ hội chung của người dân Tuy Hòa không kể miền xuôi hay miền ngược. Các cụ ông, cụ bà ở các xã miền núi nghe tin làng biển hát lăng là háo hức trong lòng, thuê xe chở nhau về xuôi xem hát bội và thăm lại bạn bè, bà con lâu ngày chưa gặp. Nhiều cụ thuộc tuồng vanh vách: "Ê kìa! Cái gã Dương Phàm đắm say cừu địch Phàn Lê Huê để rồi chết thảm". Hoặc: "Giận thay cái gã Quách Hòe làm thái giám không nên thân còn bày điều "Ly miêu hoán chúa" để bị xử lăng trì". Có những cụ bình luận đúng phong phóc từng vai diễn "Thằng cha đóng vai Quan Vân Trường mặt đỏ, râu dài thật oai vệ, tiếng nói oang oang như chuông đồng đúng là phong thái của đấng tôi trung". Hoặc "Cái ả thủ vai Lưu Kim Đính sắc nước hương trời, tiếng hát thanh tao thật hợp với thằng cha đóng vai Cao Quân Bảo...". Trong tâm thức người dân làng biển luôn yêu quý Quan Vân Trường, Trương Phi, Lưu Bị... trung dũng, khí phách và căm ghét bọn gian thần Quách Hòe, Trương Sỹ Quý, Bao Tự... Nhìn hàm râu ba chòm dài suôn đuột biết ngay là râu trung, thấy hàm râu vênh vểnh, quăn quắn biết ngay là râu nịnh...

Thật đáng khen cho những gánh hát nho nhỏ, chủ bầu phải chạy đôn chạy đáo góp nhặt từng đào, kép làm đủ mọi thứ nghề, ở đủ mọi nơi mới đủ vai cho những đêm diễn không thường xuyên. Vậy mà họ bước lên sân khấu bằng sự tự tin, đồng điệu, nhuần nhuyễn đến không ngờ!

Hát lăng cầu ngư ở làng biển Tuy Hòa không chỉ để cầu ngư, cầu sự bình an cho ngư dân hành nghề trên biển mà còn là lễ hội in đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của làng biển. Nó ghi nhận sự chung lưng đấu cật, tính thơm thảo, sẻ chia của người dân xứ biển. Những người con của làng biển đi học tập, công tác xa nhà càng thêm yêu quý quê mình, tự hào về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bạn bè... nơi mình sinh ra và lớn lên có ngọn gió hào phóng của biển.

Có thể bạn quan tâm