Hành trình ý nghĩa để mang nước sạch tới “vùng khát”

NDO -

Là một trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được nhận giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2020, TS Trần Văn Huy luôn mang tâm huyết cho mỗi hành trình trở về Việt Nam. Đó là mong ước mang nước tới các điểm trường vùng khó khăn, nỗ lực chung tay phòng, chống dịch Covid-19, hay hành động vì môi trường cho quê hương và các thế hệ mai sau.

Bàn giao thiết bị xử lý nước của TS Trần Văn Huy và cộng sự cho điểm trường ở Khánh Hòa.
Bàn giao thiết bị xử lý nước của TS Trần Văn Huy và cộng sự cho điểm trường ở Khánh Hòa.

Mang nước sạch tới “vùng khát”

Hành trình ý nghĩa để mang nước sạch tới “vùng khát” -0
Dự án lắp máy lọc nước do TS Trần Văn Huy và cộng sự thực hiện tại Thừa Thiên Huế. 

Sinh sống và làm việc tại Australia, mỗi lần về Việt Nam, TS Trần Văn Huy, điều phối viên hợp tác quốc tế, Hiệp hội ngành nước Australia (Australian Water Association - AWA), tự nhận mình phải “chạy hết công suất” để có thể hoàn thành hết các công việc mà bản thân muốn làm. Riêng với hành trình trở về Việt Nam lần này, anh hào hứng khi mình phải bỏ ra tới 200% sức lực để đảm đương các dự án mình theo đuổi.

Sau vinh dự là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học - Công nghệ trao tặng, tham gia Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2020, TS Trần Văn Huy cùng các cộng sự tiếp tục hành trình mang nước sạch tới điểm trường vùng sâu, vùng xa.

Anh cho biết, AWA đã triển khai 13 dự án cung cấp nước uống sạch tại vòi tại các điểm trường từ Sơn La, Khánh Hòa, Đồng Tháp... với sự hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ Australia. Sắp tới, chín điểm trường tại tỉnh Đồng Tháp và huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang) cũng sẽ được lắp đặt máy lọc nước ứng dụng công nghệ màng siêu lọc.

Theo TS Trần Văn Huy, tiêu chí để dự án tới lắp đặt tại các trường đầu tiên là phải là những nơi thực sự cần. Đó là những điểm trường không được tiếp cận nước sạch từ đường ống, nguồn nước tại địa phương không bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng. “Chúng tôi sử dụng công nghệ sản xuất tại Australia, có nguồn tài trợ máy móc, thiết bị, thông qua đó mình có công nghệ, mang về lắp đặt cho những trường đó để các em học sinh sử dụng trực tiếp”, anh cho biết.

Cuối năm 2020, anh cũng là điều phối viên cho một dự án hỗ trợ lắp thiết bị lọc nước sạch cho các địa phương miền trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt, với 10 điểm trường tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Chuyến đi gần nhất mà anh mới tham gia là tới huyện vùng cao Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ấn tượng về chuyến đi là sự thiếu thốn, vất vả của cả thầy và trò tại những nơi anh đã đến. Anh chia sẻ: “Các điểm trường miền núi đi lại khó khăn, các thầy cô phải vận động từng em học sinh đi học. Thiếu nước sạch, thầy cô bỏ tiền mua nước cho các em uống”.

Với một hành trình không mệt mỏi, từ việc kêu gọi tài trợ, tìm nguồn hỗ trợ thiết bị máy móc, nhập thiết bị về Việt Nam và trực tiếp khảo sát, hỗ trợ lắp đặt, anh Huy cùng những cộng sự đã giúp cho hàng chục nghìn nhiều trẻ em Việt Nam từ mầm non tới trung học có được những giọt nước tinh khiết, mát lành, tốt cho sức khỏe.

Quê nhà không chỉ ở trong tim

Hành trình ý nghĩa để mang nước sạch tới “vùng khát” -0
TS Trần Văn Huy trong phòng thí nghiệm nghiên cứu xử lý nước thải. 

Hoàn thành chương trình tiến sĩ và ở lại Australia làm việc, anh Trần Văn Huy cho biết, lĩnh vực công nghệ môi trường là vấn đề chung của toàn cầu, nhưng cũng là những trăn trở thật sự gần gũi với đất nước mình. Bởi vậy, trong mỗi công trình nghiên cứu, mỗi dự án được tham gia, anh đều gửi gắm trong đó không chỉ là tri thức của một nhà khoa học trẻ, mà còn là tâm huyết của một người con mong muốn được góp công, góp sức cho quê hương mình.

Anh bày tỏ, trăn trở này từ chính cuộc sống của bản thân khi nhìn những dòng sông ở Hà Nam nơi anh sinh ra, Hà Nội nơi gia đình anh đang sinh sống hay rất nhiều nơi anh đã đi qua đều phải đối mặt với ô nhiễm. Ký ức về những dòng sông không còn là nơi chơi đùa, bơi lội như ngày thơ bé mà đã là những dòng nước chuyển màu, rác thải trôi nổi bên sông đã khiến những người trực tiếp làm trong lĩnh vực này không khỏi đau lòng.

Anh chia sẻ: “Nước bẩn sẽ xâm nhập xuống mạch nước ngầm, chất độc hại tích trữ trong cá, tôm ở sông, nếu mình ăn thì nguy cơ tích lũy vào cơ thể mình rất cao và có thể gây ra các bệnh nguy hiểm. Chưa kể tới việc các chất khí độc hại bốc hơi và tích tụ trong không khí, có thể hình thành các chất khí độc hại khác tác động trực tiếp tới sức khỏe con người. Nhiều khi, tôi cứ nghĩ con cháu mình sống trong môi trường sẽ thế nào nếu vấn đề môi trường không quan tâm, không được giải quyết. Thật may là tôi đã thấy nhận thức và hành động của cộng đồng cũng đã tốt lên, mặc dù thực tế cần phải hành động quyết liệt hơn nữa. Nhưng càng vì thế mà chúng ta càng phải chung tay, càng phải quyết tâm hành động”.

Với TS Trần Văn Huy, từ hướng nghiên cứu ứng dụng, anh chọn hành động bằng chính công việc mình đang làm. Anh đã tạo ra cầu nối giữa các cơ quan cấp thoát nước của hai đất nước, các cơ quan chính phủ, những chuyên gia trẻ ngành nước và các doanh nghiệp tư nhân để chia sẻ kiến thức, nhằm đạt được mục tiêu chung về dịch vụ nước an toàn, bền vững và bảo đảm.

Không chỉ tham gia chương trình cấp nước sạch cho trường học, khi làm việc tại AWA, anh trở thành người kết nối với các doanh nghiệp hai bên để cùng trao đổi thông tin và kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cấp thoát nước tại Việt Nam.

Anh cho hay, doanh nghiệp cấp nước của Việt Nam hiện nay sản xuất nước sạch có tỷ lệ thất thoát nước cao, lên tới 30%-40%. Vì vậy, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Australia, hai bên sẽ cùng khảo sát hiện trạng, đánh giá mạng lưới, phát triển mạng lưới cấp nước an toàn từ đầu nguồn tới khu xử lý, sau khi xử lý, trên đường ống tới tận nhà dân như thế nào. Tất cả đều nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Đó cũng là cách để Việt Nam tránh thất thoát một nguồn tài nguyên quý giá trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như  hiện nay.

Đặc biệt, năm 2020, anh cũng đang triển khai dự án chuyển giao phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong nước thải và môi trường nước được áp dụng tại Australia sang Việt Nam, nhằm phát hiện sớm sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ thông tin, đưa ra các phương án ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

TS Trần Văn Huy trăn trở: “Dịch bệnh Covid-19 là một vấn đề quá “nóng” hiện nay. Trên thế giới, có vài trăm điểm đã bắt đầu giám sát các yếu tố virus Corona trong nước thải để có thể phát hiện sớm và khoanh vùng hiệu quả hơn”. Giải pháp hoàn toàn khả thi khi triển khai tại các khu vực bệnh viện, khu cách ly, sau đó có thể mở rộng ra cộng đồng trong điều kiện phù hợp với Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực mà anh nghiên cứu - xử lý nước thải, TS Trần Văn Huy cũng mở rộng việc hợp tác với các công ty cấp thoát nước ở nông thôn. Bởi theo anh, nước sạch nông thôn cũng là một vấn đề cấp bách, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới dân sinh và phần đông dân số Việt Nam. Anh dự định sau này sẽ mở rộng cung cấp nước sạch tới các vùng bị nhiễm mặn, có thể sử dụng hệ thống lọc nước khử mặn công suất lớn. Qua đó, giúp mang nước sạch tới những vùng khát trên những chiếc xe lớn cung cấp nước sạch về các vùng nước nhiễm mặn, để bà con không còn cảnh phải đi mua từng bình nước.

“Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, vì thế, anh sáng lập và điều hành trang của Mạng lưới chuyên gia trẻ ngành nước Việt Nam, tập hợp những người bạn, cùng chung sức, đồng lòng kiến tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn.