Hành trình vượt "cửa tử" của cậu bé 10 tuổi nhiễm Covid-19

NDO -

Tình trạng viêm cơ tim tối cấp do nhiễm Covid-19 của cậu bé 10 tuổi khiến các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương trải qua nhiều cửa ải nguy hiểm, trong đó có can thiệp ECMO để giành giật lại sự sống cho cậu bé. 

Bé trai được can thiệp ECMO do diễn biến nguy kịch của bệnh.
Bé trai được can thiệp ECMO do diễn biến nguy kịch của bệnh.

8 ngày can thiệp ECMO, 15 ngày thở máy do viêm cơ tim cấp

TS, BS Phan Hữu Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 16/3 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi M.Q, 10 tuổi, nhập viện tới tình trạng sốc tim, viêm cơ tim tối cấp do Covid-19 nguy kịch. 

Đây là một trong số những bệnh nhân nguy kịch nhất tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, 4 ngày trước khi nhập viện, con có biểu hiện sốt cao 39 độ, gia đình test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên vì tâm lý chủ quan, nghĩ rằng chỉ sốt nhẹ và nhanh bình phục nên gia đình không đưa cháu đi khám.

Tới khi thấy con mệt mỏi, khó thở, tím tái người, gia đình đưa đi viện thì cháu được các bác sĩ thông báo là rất nguy kịch. "Lúc đó vợ chồng tôi bàng hoàng, tâm trí không nghĩ được gì hết ngoài cầu mong cho cháu được bình an, tất cả nhờ cậy hết vào các bác sĩ”, mẹ bệnh nhi nói. 

TS, BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao và mệt mỏi, khó thở, suy hô hấp, tuần hoàn. Tiền sử cháu khỏe mạnh bình thường, không có bệnh nền hay biểu hiện gì đặc biệt. 

Bệnh nhi này có những diễn biến và đặc điểm không giống với các ca bệnh thông thường, đó là thách thức đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị.

“Chúng tôi đặt ra nhiều giả thiết về bệnh của cháu. Có thể do cháu đã có đợt nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, nên tình trạng sốc, tổn thương cơ tim nặng có thể là trong bệnh cảnh của hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Tuy nhiên, cũng có thể bệnh của cháu do một đợt nhiễm virus cấp tính khác gây ra", bác sĩ Phúc nói.

Cùng với các biện pháp hồi sức ban đầu như hỗ trợ chức năng sống cho cháu, các bác sĩ phải thăm dò thêm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán chính xác căn nguyên và có các giải pháp điều trị thích hợp.

Trước tình hình cấp bách, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành phối hợp nhiều biện pháp như thở máy, lọc máu bằng quả lọc hấp phụ. Bên cạnh giúp hỗ trợ điều chỉnh các vấn đề về nội môi, kiểm soát dịch, biện pháp này giúp loại bỏ các yếu tố trung gian gây viêm (như các cytokine) trong trường hợp mắc các bệnh lý nặng do Covid-19 gây ra, từ đó giúp toàn trạng của bệnh nhân dễ dàng tiến triển hơn.

Sau khi bệnh nhân điều trị hồi sức ban đầu theo hướng trên thì trong 1-2 ngày đầu, bệnh nhân khá ổn định và tiên lượng tốt lên, nhưng sau đó bệnh nhân lại bất ngờ diễn biến nặng hơn.

Các bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhi chạy ECMO với hy vọng sẽ giữ lại sự sống cho bé. Đây là một kỹ thuật phức tạp trong điều trị hồi sức cho bệnh nhân nặng do mắc Covid-19, được xem như biện pháp cuối cùng cứu sống trẻ.

Kết hợp tất cả các biện pháp điều trị, trải qua nhiều ngày căng thẳng, cuối cùng bệnh nhi cũng vượt qua giai đoạn nguy kịch, vượt qua lằn ranh mong manh của sự sống.

TS, BS Đào Hữu Nam cho biết, tổng số ngày cháu bé được lọc máu là 5 ngày, thở máy trong 15 ngày và ECMO 8 ngày. Sau giai đoạn nguy hiểm đó, bệnh nhân đã được cai ECMO và tập thở bình thường trở lại.

Hành trình vượt cửa tử của cậu bé 10 tuổi nhiễm Covid-19 -0
Bệnh nhi đã bình phục sau hành trình dài được các bác sĩ giành giật sự sống. 

Đến nay, trong tổng số 500 bệnh nhi điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, tuy đây là một trong những cháu nặng nhất phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị phức tạp nhưng việc thành công cứu sống cháu bé khi sự sống của cháu đang rất mong manh khiến các bác sĩ rất vui mừng. 

Sau một thời gian điều trị, hồi sức, các bác sĩ đánh giá tình trạng của bệnh nhi đã khá ổn định, khả năng hồi phục tương đối tốt, chức năng tim đã cải thiện rõ. Toàn trạng dần ổn định lại bình thường. Hiện tại, bé đã được chuẩn bị cho xuất viện và tiếp tục được hẹn khám lại định kỳ theo chuyên khoa tim mạch.

Chưa hết hốt hoảng, lo sợ sau những ngày tháng cùng con vượt qua cửa tử, mẹ bệnh nhi nghẹn ngào: “Thực sự gia đình không biết nói gì hơn là gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả các y, bác sĩ của bệnh viện, những người đã tận tâm tận lực để cứu sống cháu”.

Dấu hiệu viêm cơ tim cần chú ý ở trẻ nhiễm Covid-19

Theo bác sĩ Phúc, hầu hết trẻ mắc Covid-19 đều có biểu hiện nhẹ, sức khỏe nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi kể trên có thể rơi vào nguy kịch vì viêm cơ tim cấp, vì vậy, cộng đồng không nên chủ quan với Covid-19, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.

Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ từ dữ liệu của hơn 900 bệnh viện, Covid-19 là thủ phạm hàng đầu gây viêm cơ tim ở trẻ em dưới 16 tuổi. Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ bị nhiễm là 0,133%, nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ mắc Covid-19 là 37 lần cao hơn so với nhóm không mắc Covid-19.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo, khi phát hiện con có những biểu hiện như sốt cao, đau tức ngực, đánh trống ngực, tím tái, khó thở, mệt mỏi, li bì, tim đập nhanh,… cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ em trước bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.