Gỡ vướng để triển khai trồng rừng thay thế

Tỉnh Thái Nguyên đã, đang thực hiện chuyển mục đích sử dụng nhiều diện tích rừng sang mục đích khác để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, các chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, nhưng việc triển khai trồng rừng thay thế hiện nay lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
0:00 / 0:00
0:00
Từ năm 2022 trở về trước, tỉnh Thái Nguyên đã trồng hơn 550 ha rừng thay thế.
Từ năm 2022 trở về trước, tỉnh Thái Nguyên đã trồng hơn 550 ha rừng thay thế.

Ngay sau khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích gần 50 ha, năm 2023 chủ đầu tư sân golf Glory tại xã Thành Công, thành phố Phổ Yên đã nộp đầy đủ kinh phí trồng rừng thay thế với định mức 60 triệu đồng/ha vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên. Tương tự như vậy, chủ đầu tư dự án sân golf Tân Thái ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ cũng nộp đủ số tiền trồng rừng thay thế để triển khai san lấp mặt bằng, thực hiện dự án.

Hầu hết các chủ đầu tư được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đều nộp đúng tiến độ, đủ số tiền trồng rừng thay thế theo quy định. Theo thống kê, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 84 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng tổng số 686 ha rừng, các chủ đầu tư đã nộp gần 35 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên để tổ chức trồng rừng thay thế. Từ năm 2022 trở về trước, toàn tỉnh đã trồng hơn 550 ha rừng thay thế.

Tuy vậy, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Thái Nguyên chưa triển khai trồng được rừng thay thế, số tiền trồng rừng thay thế hiện đang tồn tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là hơn 19 tỷ đồng, do có vướng mắc, quy định chưa rõ nên khó triển khai. Theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT, ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi bổ sung Điều 2 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT, ngày 30/12/2022 quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhưng một số nội dung liên quan đến công tác thực hiện trồng rừng thay thế của các chủ đầu tư chưa rõ ràng, chưa cụ thể cho nên việc triển khai trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Cụ thể, theo đại diện Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu trong công trình trồng rừng thay thế được thực hiện như thế nào, có xây dựng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho cả công trình trồng rừng thay thế được thực hiện như thế nào, có xây dựng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho cả công trình trồng rừng thay thế không, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng chủ đầu tư ở từng cấp khác nhau được thực hiên như thế nào, việc thực hiện quyết toán kinh phí cũng chưa rõ theo quy định nào.

Đại diện Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên cho biết: Do Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu mới có hiệu lực thi hành, việc hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau, vì thế ba tháng đầu năm 2024 chưa triển khai được các công việc liên quan trồng rừng thay thế.

Thời gian vừa qua, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc nhằm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc để trồng rừng thay thế. Các sở, ngành cho rằng, nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để đầu tư trồng rừng thay thế là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, nhưng việc quản lý nguồn vốn này để trồng rừng chưa rõ ràng, áp dụng theo quy định về quản lý vốn đầu tư công hay vốn sự nghiệp chi thường xuyên, hoặc theo quy định nào cũng chưa được rõ, làm cho việc trồng rừng thay thế vướng mắc, chậm được triển khai.

Theo quy định, việc trồng rừng thay thế được thực hiện trên đất quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn. Mặc dù Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tích cực tuyên truyền, vận động, nhưng nhiều người dân trên địa bàn chưa mặn mà với phương án trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, vì mức hỗ trợ theo quy định hiện hành được coi là quá thấp.

Trong khi đó, thời hạn trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải thực hiện trong vòng 12 tháng nhằm không làm giảm diện tích rừng hiện có, nhưng hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các sở, ngành chức năng nên không chỉ khó triển khai mà việc trồng rừng thay thế có nguy cơ bị chậm so với quy định.

Thời gian qua các sở, ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp bàn thống nhất tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể hơn để việc trồng rừng thay thế được thực hiện thuận lợi. Để tránh lãng phí nguồn lực, phát huy hiệu quả của công tác trồng rừng thay thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đang đề nghị nộp hơn 10 tỷ đồng về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để điều tiết, phân bổ trồng rừng thay thế ở các địa phương khác.