Hành trình tìm thân nhân cho những hài cốt của các liệt sĩ còn thiếu thông tin

NDO - Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố; Công ty GeneStory tổ chức thu nhận mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Huỳnh Thị Bảy đi tìm hài cốt người anh trai mình hàng chục năm, bây giờ, bà không đi được nữa nhưng vẫn ngóng tin tức anh trai hằng ngày như một ước nguyện chưa thành của bản thân.
Bà Huỳnh Thị Bảy đi tìm hài cốt người anh trai mình hàng chục năm, bây giờ, bà không đi được nữa nhưng vẫn ngóng tin tức anh trai hằng ngày như một ước nguyện chưa thành của bản thân.

Tham dự chương trình có lãnh đạo phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các đồng chí tại C06 và các thân nhân của những liệt sĩ đến tham gia lấy mẫu ADN.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Đề án 06 của Chính Phủ ban hành, đây là việc làm hết sức ý nghĩa và thiêng liêng, đòi hỏi gấp rút chạy đua với thời gian để tìm kiếm và trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ càng nhanh càng tốt.

Vì những yếu tố tác động từ môi trường, khí hậu khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt phân hủy sinh học đến những hài cốt còn nằm dưới lòng đất. Do đó, xã hội sẽ đồng hành bằng mệnh lệnh của cả trái tim và tin tưởng, hy vọng một ngày không xa có thể xác định được danh tính các anh.

Bà Huỳnh Thị Bảy (sinh năm 1944, phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) với dáng người nhỏ nhắn cùng chiếc xe lăn cố gắng đến với chương trình. Trải qua hàng chục năm, bà Bảy từng ngày vẫn nghe ngóng tin tức từ các cấp chính quyền, lãnh đạo địa phương để có thể nhanh chóng tìm lại được hài cốt về thờ tự.

“Mấy chục năm qua gia đình cũng không biết chỗ để tìm, từ hồi mất đến giờ cũng không biết, không đi tìm ở đâu hết, cũng không nghe thông tin gì, chỉ sót lại giấy báo tử thôi! Tôi còn chưa tìm gặp được anh mình thì đã nhận giấy báo tử ở Hố Nai (Đồng Nai) rồi. Người ta cũng chỉ bảo mất ở trên đó thôi. Thời đó, giặc dội bom xuống cũng tan nát hết, không còn gì hết. Người ta cũng bảo giờ tan nát hết biết gì đâu mà tìm”, bà Bảy lau nước mắt chia sẻ.

Cô Trần Như Cường (sinh năm 1954, ngụ huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) cả nhà cô Cường đều tham gia kháng chiến, cha mẹ và hai anh lớn hy sinh, chỉ còn lại cô và một người anh kế ở chiến khu miền bắc.

“Hiện nay, tôi cũng chỉ nghe nói lại từ thời trước là ở xã Hải Cường, Hải Hậu, Nam Định và có ra tìm nhưng đều không thấy. Lúc anh tôi còn sống (đã mất do bệnh ung thư vòm họng) thì hai anh em đi tìm trên dưới 30 lần, nhưng vẫn thất bại vì tìm hoài không thấy. Bây giờ tôi cũng 70 tuổi rồi, cũng không còn thời gian để chờ đợi lâu hơn nữa, nhưng mình cứ canh cánh trong lòng chuyện đó, nếu mà kiếm được thì mãn nguyện”, cô Cường nghẹn ngào chia sẻ.

Hành trình tìm thân nhân cho những hài cốt của các liệt sĩ còn thiếu thông tin ảnh 1

Các thân nhân liệt sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được lấy mẫu ADN, là nền tảng cho việc xác định nhân thân của các liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Còn với chú Nguyễn Văn Tráo, sinh năm 1957, ngụ Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh không giấu nổi sự vui mừng chú cho biết: “Mừng, mừng lắm! Chương trình này rất quan tâm đến nhân thân, liệt sĩ và những người có công với Tổ Quốc. Đó giờ cứ chờ đợi, mong mỏi mà không có thu được kết quả gì. Tôi chỉ mong tìm kiếm được để về lập tân mộ và trang hoàng cho ổn định”, chú Tráo cho biết thêm.

Theo danh sách đã có 43 trường hợp nhân thân đến tham dự lấy mẫu. Tất cả đều được hỗ trợ toàn diện từ phương tiện di chuyển đến các trang thiết bị cho quy trình lấy mẫu AND và lưu trữ. Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp các ban ngành đoàn thể liên quan để tiếp tục triển khai và thực hiện việc so sánh, đối chiếu để thu được kết quả trùng khớp trong thời gian sớm nhất đến với nhân thân liệt sĩ.