Trong vòng 10 năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc diệt cỏ (khoảng 95.000 tấn), trong đó chứa khoảng 366 kg là chất cực độc dioxin phun rải xuống các cánh rừng, thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích khoảng 3,06 triệu héc-ta, chiếm gần 1/4 tổng diện tích miền nam Việt Nam. Lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài đã gây hậu quả nặng nề, tác động mạnh mẽ lâu dài tới môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Chất độc da cam đã làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân, gây nên những hệ lụy mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, 35.000 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, và khảo sát tại một số địa phương cho thấy, hậu quả chất độc da cam đã di nhiễm sang thế hệ thứ tư. Hàng chục nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật...
Với những nỗ lực không ngừng, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã dành nhiều sự quan tâm, triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, vừa thể hiện trách nhiệm cộng đồng, vừa là sự tri ân, chia sẻ nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam trên mọi miền Tổ quốc.
Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10 nghìn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) ngày 14/5/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” cũng nhấn mạnh: Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Và sau hơn năm năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với công tác giải quyết chất độc hóa học được bổ sung, từng bước hoàn thiện. Việc thực hiện chế độ chính sách bảo đảm đúng quy định của pháp luật; các chế độ, chính sách được chi trả kịp thời, đúng đối tượng. Toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị có nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đạt kết quả tốt; phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” hoạt động ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn...
Nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam vẫn tiếp tục được tiến hành với những hình thức, biện pháp mới, phù hợp quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Phương châm đó cùng nỗ lực của Chính phủ và nhân dân hai nước trong hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, tìm kiếm liệt sĩ Việt Nam và hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh và các hoạt động nhân đạo khác... đã góp phần quan trọng làm cho Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn trong việc tham gia xử lý chất độc dioxin còn tồn đọng tại sân bay Đà Nẵng; sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và viện trợ nhân đạo cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam.
Hành trình tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì của nhân dân ta, cũng như sự đồng hành, ủng hộ của các tổ chức, cộng đồng quốc tế, qua đó tiếp tục góp phần tuyên truyền, vận động và đấu tranh đòi công lý, từng bước thức tỉnh thế giới về thảm họa chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam, để công tác khắc phục hậu quả do chất độc hóa học/dioxin trong giai đoạn tiếp theo sẽ có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn nữa.