1. Vẫn là câu chuyện muôn thuở của con người trong hành trình truy tìm bản thể, khám phá những bí ẩn và sự biến thiên phức tạp trong tâm hồn con người, luận giải cái bí ẩn sinh tồn của thế giới nhân sinh bề bộn, đa tạp, nhiều chiều; nhưng lại được thể hiện trong một hình thức nghệ thuật độc đáo, mới lạ, vừa quyến rũ vừa thách thức cộng đồng diễn giải. Với 6 ngày, tác giả đã đột phá vào tầng sâu cấu trúc truyện kể, thể nghiệm trong phương thức tự sự, kiến tạo nên một sinh thể nghệ thuật vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.
Người đọc có thể nhận thấy ý hướng tổ chức truyện kể như một trò chơi văn bản mang dấu ấn nghệ thuật hậu hiện đại rất rõ nét trong tiểu thuyết của Tô Hải Vân. Nhìn bề ngoài, 6 ngày tuân thủ theo nguyên tắc dựng khung tự sự truyền thống với dòng thời gian tuyến tính, từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 6 - một lát cắt ngang ngắn ngủi trong cuộc đời vốn nhàn nhạt, quẩn quanh, vô vị, không có “sự kiện” gì nổi bật của nhân vật chính - Phạm Bản. Tuy nhiên, trong kết cấu bề sâu, nhờ sự mở rộng biên độ và chiều kích không - thời gian, bằng dạng thức “truyện lồng truyện”, và hiện tượng liên văn bản độc đáo; tác phẩm đã gói trọn trong đó cả một thế giới nhân quần phong phú, với muôn vàn câu chuyện bi - hài, ngẫu nhiên - tất yếu, hữu lý - phi lý, thực - ảo, quá khứ - hiện tại, cùng những trạng huống tâm lý phong phú, phức tạp, đa chiều của con người.
6 ngày có sự lồng ghép, song hành hai tuyến truyện, với sự đan xen, đồng hiện liên tục các bình diện không gian, thời gian và tâm lý khác nhau. Câu chuyện bắt đầu bằng “sự kiện” đi tìm nhà của Bản sau những đổ vỡ hạnh phúc gia đình (vợ bỏ đi cùng đứa con gái 5 tuổi, ngôi nhà bị bán, chia đôi tài sản). Vẫn sử dụng mô típ “hành trình” giống như trong Người thứ hai, “chuyến đi” của Bản không đơn thuần là sự dịch chuyển không gian địa lý, mà đó đích thực là cuộc hành trình truy tìm và khám phá bản thể để trả lời cho câu hỏi, “Tôi là ai?”, “Tôi thuộc nơi đâu?”, “Tôi đang và sẽ làm gì?”, “Tôi đang ở đâu và sẽ về đâu?”, “Tôi kiếm tìm điều gì?” giữa cái mênh mang, xô bồ của cõi đời. Nếu như Viễn trong Người thứ hai làm một cuộc hành trình giả tưởng kiếm tìm “một chỗ đứng” trên chuyến tàu siêu hình, vừa thực vừa ảo; thì Bản trong 6 ngày lại kiếm tìm ngôi nhà “của mình”, một không gian có tính chất biểu tượng, tách biệt với thế giới bên ngoài, vắng thiết bị văn minh, thiếu máy móc hiện đại. Không gian ấy được tác giả tạo dựng như một thế giới hỗn mang, rêu phong, tĩnh lặng, chứa đầy sự phi lý, kỳ quái, hư ảo. Sự chuyển dời của Viễn và Bản là khác nhau, nhưng tâm thế và mục đích của hai con người là một - kẻ bên lề, cô độc, hoang mang, lạc lối đang truy tìm lời giải cho câu hỏi lớn “tôi là ai?”.
2. Trước thời điểm bắt đầu 6 ngày, cuộc đời của Bản dường như đã được lập trình sẵn, không có gì nổi bật, với một vòng tròn luẩn quẩn (sáng - chiều - tối, 6 ngày trong một tuần, 4 tuần trong một tháng, 12 tháng trong một năm). Và bây giờ khi đã bước sang tuổi 35, với hơn 10 năm công tác, anh vẫn sống và làm việc như cái máy, ăn uống theo giờ, làm việc theo lệnh, suy nghĩ theo đuôi, tự sắp đặt cuộc đời mình trong những định nghĩa duy lý khô khan, vô cảm. Tồn tại giữa đám đông, ai cũng mang gương mặt/mặt nạ giống nhau, anh hiểu hơn ai hết “dị biệt là điều đáng ghét”; khác đi một chút, hơn nhau một chút, ngay lập tức trở thành kẻ xa lạ. Trong cái thế giới buồn tẻ ấy, Bản chua xót nhận ra, mình chỉ là cái bánh xe trong một cỗ máy; một con cờ trong bàn tay sắp đặt của kẻ khác, lúc nào cũng chỉ chực bị đẩy ra. Anh mang nỗi đau của “con người thừa”, mang mặc cảm “thiếu quê hương” trên chính cái nơi mình đang tồn tại; để rồi bị gạt ra khỏi dòng chảy cuộc đời, lạc loài giữa cộng đồng, xa lạ với gia đình, cô đơn trong bản thể.
Bắt đầu thời điểm của 6 ngày, thế giới anh sống vẫn vậy, vẫn là đám đông - robot vô hồn, rỗng tuếch; những gương mặt nhàu nát, giả tạo; những thói hư, tật xấu mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Việc tìm được ngôi nhà “của mình” là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh, bởi từ đây có rất nhiều thứ lần đầu tiên trong đời anh chứng kiến và nếm trải. Trong một vũ trụ bị gói lại, nhỏ bé vô cùng ấy, anh tự “trổ ra” những ô cửa - tâm linh, nơi đó, lần đầu tiên, anh có dịp ngắm nhìn lại chính mình, ngẫm lại những ngày tháng trước đây, phân thân để đối thoại, cật vấn, hòng kiếm tìm “cái bình thường” trong con người mình. Kể từ đây cuộc đời anh đầy ắp các “sự kiện”, cứ như cả cuộc đời tích tụ lại, dồn nén lại trong 6 ngày ngắn ngủi. Anh chợt nhận ra, cuộc sống không đơn thuần là những khái niệm, những phát minh, những niềm tin được xác lập từ cơ sở khoa học, thực nghiệm, duy lý; mà bao la hơn, huyền diệu hơn, lạ lẫm hơn bởi cái ngẫu nhiên, phi logic được tạo dựng từ linh cảm, trực giác, tâm linh, vô thức, giấc mơ. Thế giới ấy không chỉ hiện hữu những gương mặt tẻ nhạt, một mầu của kỹ sư Huỳnh, Mong, Đạc, Tín, phó phòng Lập, trưởng phòng Hảo, viện trưởng Huy… mà còn chất chứa biết bao điều kỳ lạ, phi lý: Hình ảnh bà bán bún ốc hư ảo, thế giới ma của “bà”/“cô”, cuộc trò chuyện giữa người - mèo - chó, những giấc mơ triền miên, sự phân thân chất vấn trong gương… Và cũng từ đây, lần đầu tiên sau bao năm sống như một cái máy, Bản đã tự tạo cho mình một cơ hội để thay đổi và định nghĩa lại cuộc đời của mình. Anh nghiệm ra “khuôn phép giết chết con người”, đám đông thui chột bản sắc cá nhân; chỉ có sự tự do, thuận theo tiếng gọi nguyên sơ của tự nhiên, lắng nghe những “cảm nhận” cuộc sống theo cách riêng của mình mới là con đường có thể dẫn anh trở thành Người bình thường. Chính trong thời điểm khó khăn nhất khi anh từ chối thăng chức, xin nghỉ việc, anh đã tìm lại được chính mình. Giác quan của anh được đánh thức bởi mùi táo - cái mùi nguyên thủy hòa quyện trong sự dịu dàng, chân thành của Nguyệt - biểu tượng nữ tính vĩnh hằng. Anh có được những xúc cảm của một con người bình thường, biết cười khi vui, biết mở lòng mình đón nhận những yêu thương và biết hy vọng vào những ngày tháng “hậu 6 ngày”.
3. Song song với tuyến truyện thực tại được kể bởi “tôi” - Bản, là câu chuyện về thời bao cấp, xoay quanh một khu phố nhỏ ven sông Hồng mà Bản “nghe” được trên ra-đi-ô trong những đêm dài chập chờn tỉnh thức. Những tàn dư và hệ lụy của thời Cải cách ruộng đất vẫn bủa vây, bám riết đến số phận của từng cá nhân, mỗi gia đình nơi đây. Bức tranh về một thời đã qua được Tô Hải Vân tái hiện lại chân thực, sắc nét, đầy ám ảnh.
Từ Người thứ hai cho đến 6 ngày, hành trình văn chương của Tô Hải Vân nặng trĩu những suy tư, trăn trở về những phận người trong thế giới hỗn độn, bí ẩn. Gấp lại trang sách, những câu hỏi, “Tôi là ai?”, “Tôi thuộc về đâu?”, “Tại sao tôi cô đơn?”, “Tôi kiếm tìm điều gì?”, “Tôi sẽ đi về đâu?”… vẫn vang vọng, ám ảnh và day dứt không nguôi. Đó là những câu hỏi không chỉ riêng của cá nhân, mà mang tầm phổ quát của nhân loại trên hành trình tìm kiếm bản chất đích thực của con người.