Hành trình hái quả ngọt của gia đình mắc bệnh lý hiếm muộn

NDO - Hành trình săn 3 con của Nguyễn Thị Nhung thật gian nan khi chồng bị biến chứng quai bị dẫn tới vô tinh và bản thân cũng mắc căn bệnh gây ra tình trạng hiếm muộn do polyp tử cung. 
0:00 / 0:00
0:00
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt phẫu thuật vi phẫu Micro TESE.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt phẫu thuật vi phẫu Micro TESE.

19 tuổi, Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1995, Hải Dương) lên xe hoa về nhà chồng. Không vội vã, Nhung nghĩ mình cần dành thời gian để xây dựng gia đình ổn định. Nhiều năm trôi qua, Nhung mới mang nỗi sợ hiếm muộn khi nhìn thấy ánh mắt dòm ngó và lời dị nghị của mọi người chung quanh.

Vợ chồng chị Nhung đã quyết định “đi tìm con” tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (AF HANOI). Đến đây, anh chị đã bất ngờ khi biết mình sẽ không thể có con nếu không can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro-TESE) kết hợp với Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

"Biến chứng teo tinh hoàn của căn bệnh quai bị đã đánh mất khả năng có thai tự nhiên của vợ chồng em", Nhung kể.

Vì vậy, bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE để tìm tinh trùng cho người chồng, sau đó tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ để tạo phôi.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết: Phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, mang lại hiệu quả điều trị cao cho các trường hợp vô tinh. Phẫu thuật vi phẫu này cho kết quả tìm thấy tinh trùng rất cao, ít tổn thương mô tinh hoàn, ít biến chứng.

Hành trình hái quả ngọt của gia đình mắc bệnh lý hiếm muộn ảnh 1
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Thúy - Chuyên khoa Sản phụ khoa tư vấn bệnh nhân.

Cụ thể, kỹ thuật này cho phép can thiệp vào mô tinh hoàn để tìm những ống sinh tinh có chứa tinh trùng thông qua kính vi phẫu có độ phóng đại lớn. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ, việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ; đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục con vừa đủ để làm thụ tinh ống nghiệm.

Trải qua các bước thăm khám, điều trị và thực hiện các phương pháp Hỗ trợ sinh sản hiện đại, vợ chồng chị Nhung đã có phôi đủ điều kiện để chuyển vào tử cung người mẹ.

Đến khi chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi thì bác sĩ siêu âm phát hiện những chùm polyp có thể cản trở quá trình đậu thai, bác sĩ chỉ định chị nội soi thăm dò buồng tử cung kết hợp cắt bỏ polyp, hạn chế tối đa chảy máu.

Tuy nhiên, do cơ địa nhanh hình thành polyp, chị Nhung cần được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ và xác định thời điểm chuyển phôi phù hợp trước khi polyp mới mọc lên.

Hành trình hái quả ngọt của gia đình mắc bệnh lý hiếm muộn ảnh 2

Hai em bé sinh đôi của gia đình chị Nhung.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Thuý (Phó Trưởng khoa Phẫu thuật-Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội): Polyp buồng tử cung chiếm khoảng 10-15% nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới và phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán kịp thời các bệnh lý buồng tử cung, đồng thời hỗ trợ điều trị xử lý các tổn thương một cách tốt nhất, giúp tăng tỷ lệ có thai tự nhiên cũng như tăng hiệu quả chuyển phôi thành công ở các cặp vợ chồng can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Với trường hợp của chị Nhung, polyp dạng chùm, nhỏ rất khó để phát hiện thông qua các phương pháp thông thường như siêu âm bơm nước, siêu âm 3D buồng tử cung…

Khi thực hiện phẫu thuật nội soi buồng tử cung, ngoài hỗ trợ phát hiện các tổn thương như: polyp tử cung, viêm niêm mạc tử cung… khiến người phụ nữ khó đậu thai thì bác sĩ có thể tiến hành can thiệp loại bỏ các khối polyp cũng như xử lý tách dính trong các trường hợp dính buồng tử cung.

Vượt qua những đợt điều trị vất vả, vợ chồng chị Nhung đã thành công đón bé gái đầu lòng vào tháng 4/2020. Tháng 7/2022, khi con gái đầu lòng được 3 tuổi, hai vợ chồng chị Nhung quyết định trở lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để chuyển phôi trữ với mong muốn bé lớn “có chị có em cho vui cửa vui nhà”.

Tưởng đâu mọi việc thuận lợi nhưng sau thăm khám, bác sĩ thông báo niêm mạc tử cung của chị Nhung bị quá sản toàn bộ, polyp dày đặc buồng tử cung, tình trạng còn nhiều hơn cả lần đầu chuyển phôi năm 2019.

Cuộc chiến với polyp buồng tử cung một lần nữa lại bắt đầu với gia đình chị. Lần này, chị được bác sĩ chỉ định điều trị thuốc và thực hiện mổ nội soi buồng tử cung ngay trong chu kỳ để loại bỏ các chùm polyp trước khi thực hiện chuyển phôi.

Hành trình hái quả ngọt của gia đình mắc bệnh lý hiếm muộn ảnh 3

Chị Nhung hạnh phúc bên 3 con dù gia đình đều mắc bệnh lý gây ra tình trạng hiếm muộn.

Cuộc phẫu thuật nội soi thành công tốt đẹp, bác sĩ thông báo chu kỳ sau có thể thực hiện chuyển phôi. Một lần nữa, chị Nhung lại may mắn khi đậu song thai ở lần chuyển phôi này và sinh hạ cặp song sinh trai-gái rất đáng yêu.

Hành trình hái quả ngọt của đôi vợ chồng hiếm muộn này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều các gia đình đang trong hành trình "săn con". Để đồng hành với các gia đình hiếm muộn, từ 19/4-19/5, trong chương trình “Tuần Lễ Vàng 2024”, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tiếp nhận hồ sơ xét duyệt miễn phí 15 ca phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung.