Anh Đỗ Văn Hóa (quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị liệt cả hai chân sau một tai nạn từ năm học lớp 8, mọi sinh hoạt cá nhân gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Còn vợ là chị Nguyễn Thị Tuyết ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa bị khuyết tật ở tay trái sau một lần bị sốt cao, co giật.
Cả hai gặp nhau tại buổi họp mặt của câu lạc bộ người khuyết tật tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sự cảm mến đã kéo họ xích lại gần nhau và chia sẻ những khó khăn, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Thời gian đầu, họ chủ yếu trao đổi với nhau qua mạng xã hội. Sau hơn 4 năm tìm hiểu, tháng 12/2020, anh chị quyết định dọn chung về một nhà. Bấy giờ, họ cứ nghĩ sống mà nuôi nhau đến già, không dám mơ ước có được mụn con.
Chính tình yêu đã thôi thúc họ, cho họ động lực biến giấc mơ thành hiện thực. Động lực càng nhân đôi khi ở gần nhà anh Hóa có vợ chồng khuyết tật đã sinh thành công cặp song sinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt-Bỉ chia sẻ, thấu hiểu mong muốn của 2 vợ chồng, bằng kinh nghiệm đã giúp cho một cặp đôi anh Can và chị Thúy cũng bị liệt nửa người có hai cô con gái thành công, các bác sĩ đã tiến hành làm thủ thuật lấy tinh trùng từ ống dẫn tinh để làm thụ tinh cho vợ chồng anh chị.
Gia đình anh chị Hóa-Tuyết vỡ òa hạnh phúc khi đón con đầu lòng. |
Bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung (Khoa Sản phụ Hiếm muộn, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt-Bỉ) tâm sự, khi hai vợ chồng Hóa-Tuyết đến, các bác sĩ cũng đắn đo suy nghĩ rất nhiều vì đây là một ca khó. Thế nhưng anh chị được gia đình động viên và họ cũng rất nỗ lực, rất mong muốn nên ê-kíp cũng quyết tâm giúp họ thực hiện giấc mơ.
Cả hai vợ chồng là người khuyết tật, việc đi lại rất khó khăn, nên bệnh viện phải bố trí sao cho hạn chế đi lại.
"Tôi đã sắp xếp chị ấy ở gần nhà để tiện chăm sóc, cũng may kết quả thành công ngay từ lần đầu thực hiện”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Ngày 2/2 vừa qua, gia đình anh Hóa đã chính thức đón thành viên mới. Hạnh phúc bế trên tay đứa cháu nội mà bản thân và cả gia đình chờ đợi bấy lâu nay, bà Lê Thị Lộc (71 tuổi), mẹ anh Đỗ Văn Hóa xúc động nghẹn ngào.
Bà chia sẻ, bà chẳng bao giờ dám nghĩ, dám mơ sẽ có cháu nội là con của Hóa. Nhưng nhờ trình độ, chuyên môn bác sĩ, nhờ kỹ thuật y học hiện đại mà giấc mơ của gia đình bà đã thành hiện thực.
Ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh giường vợ vừa sinh nở, anh Hóa chăm chú nhìn vợ, nhìn con, nước mắt rưng rưng. "Chưa bao giờ tôi nghĩ hạnh phúc lại đến với mình một lần nữa. Tôi tàn tật, liệt cả 2 chân mà vẫn cưới được vợ, vẫn có con. Thực sự đây là niềm hạnh phúc quá lớn. Tôi rất biết ơn các bác sĩ và bệnh viện", anh Hóa xúc động nói.