Hạnh phúc nhất trong ngày Thầy thuốc là nhìn các bệnh nhi khỏi Covid-19

NDO -

Đặc thù trong số bệnh nhân Covid-19 của đợt dịch thứ 3 có rất đông bệnh nhi, trong đó có những bé chưa đầy một tuổi. Vì thế, công tác điều trị cho những bệnh nhân này cũng khá đặc biệt. Vừa điều trị, vừa làm công tác tâm lý, dỗ dành các trẻ nhỏ, các bác sĩ tâm sự: “Chúng tôi coi các bé như con của mình. Hạnh phúc nhất trong ngày 27-2 này với chúng tôi là được nhìn các cháu khỏi bệnh”.

Điều dưỡng Việt Anh chăm sóc các bệnh nhi trong khu điều trị.
Điều dưỡng Việt Anh chăm sóc các bệnh nhi trong khu điều trị.

Bệnh nhi khỏi bệnh Covid-19 mới là điều hạnh phúc nhất 

Bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng khoa khám bệnh cấp cứu lưu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã có hai tuần trong điểm nóng nhất tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh. Tại đây, suốt từ trước Tết nguyên đán, anh và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ điều trị cho bốn bệnh nhi mắc Covid-19. Các bé đều có biểu hiện về bệnh phổi nhẹ, không khó khăn trong công tác điều trị.

Trong số bốn bệnh nhi này, có 3/4 cháu có triệu chứng nhẹ, chỉ cần điều trị uống kháng sinh và đáp ứng với điều trị khá tốt. Có một bệnh nhi bị tổn thương phổi, phải tiêm kháng sinh và cũng đã bình phục. Vừa qua, Bệnh viện dã chiến số 2 đã cho một bệnh nhi xuất viện và tiếp tục tiếp nhận thêm một bệnh nhi nhỏ tuổi nữa.

Hạnh phúc nhất trong ngày 27-2 là nhìn các bệnh nhi khỏi Covid-19 -0
 Chăm sóc các bệnh nhi luôn nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Nhiều năm trong nghề chăm sóc cho các em nhỏ, nhất là các bệnh truyền nhiễm, nhưng với BS Linh lần này, việc điều trị và chăm sóc cho các bệnh nhi mắc Covid-19 có vô vàn những kỷ niệm.

“Hầu hết các bệnh nhi được điều trị tại đây đều có cả gia đình mắc Covid-19. Các bé phải cách ly cùng người lớn vì không thể hoàn toàn tự lập được. Các bé rất hiếu động nên việc quản lý các bé để tránh lây nhiễm chéo cũng khá khó khăn. Do đó, chúng tôi phải truyền thông tới từng gia đình để người lớn trông các bé không đi lại trong khu điều trị”, BS Linh kể.

Chính vì việc cách ly theo gia đình, nên có những bệnh nhi dù đã ba lần âm tính nhưng bố mẹ chưa khỏi bệnh thì cháu vẫn tiếp tục cách ly cùng bố mẹ, được sắp xếp ở phòng khác.

BS Linh kể, việc thăm khám thông thường hằng ngày không quá khó với các bác sĩ điều trị vì các bé không phản kháng. Tuy nhiên, việc thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm như dịch hầu họng, lấy máu hay chụp X-quang, CT thì rất nhiều thách thức. “Có những bé chúng tôi phải huy động mấy người lớn giữ, kẹp chặt mới lấy được mẫu xét nghiệm”, BS Linh kể.

Hạnh phúc nhất trong ngày 27-2 là nhìn các bệnh nhi khỏi Covid-19 -0
 

Vừa được rời khỏi bệnh viện dã chiến, nhưng BS Linh vẫn đang cách ly 14 ngày mới được trở về gia đình. Năm nay, anh và vợ cũng là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã đón cái Tết thật đặc biệt và cũng tiếp tục đón ngày 27-2 không ở bên nhau. Tuy nhiên, với một bác sĩ nhiều năm công tác trong lĩnh vực nhi khoa, BS Linh tâm sự “Bệnh nhi khỏi bệnh Covid-19 mới là điều hạnh phúc nhất với những bác sĩ chúng tôi trong ngày 27-2 này”.

Chăm bệnh nhi như chăm con mình

Tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương, số lượng bệnh nhi đông hơn gấp 10 lần Bệnh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh, với gần 50 bệnh nhi đã nằm điều trị tại đây từ đợt trước Tết nguyên đán. Điều dưỡng Nguyễn Việt Anh (Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, anh và các đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Hải Dương ngay từ những ngày đầu tiên có dịch.

Lúc đó, cơ sở y tế này không có chuyên khoa nhi, những thiết bị và đồ dùng liên quan đến nhi rất thiếu thốn. Sau khi chuyển thành Bệnh viện Dã chiến số 2 và lượng bệnh nhi tăng lên, những thiết bị đều phải xin chi viện mới có để điều trị.

Bên cạnh đó, các tuyến khác cũng không có chuyên khoa nhi để tăng cường. Những việc truyền hay lấy máu có thể nói là khó cho nhân viên ở đây vì trước giờ họ chỉ làm cho người lớn.

Hạnh phúc nhất trong ngày 27-2 là nhìn các bệnh nhi khỏi Covid-19 -0
 Việc lấy ven, tiêm truyền rất khó khăn với các bệnh nhi.

Khó khăn lại nối tiếp khó khăn khi cứ bảy ngày, bệnh viện lại thay kíp trực. Vì thế, vừa đào tạo cho kíp này quen việc một chút thì lại đổi người.

Tuy nhiên, khó khăn nhất với đội y, bác sĩ điều trị chính là việc mặc đồ bảo hộ nên hạn chế trong việc nghe phổi cho bệnh nhi. “Chúng tôi phải dùng tay đếm nhịp thở thủ công và chụp X-quang để chẩn đoán”, điều dưỡng Việt Anh kể.

Những ngày đầu tại Bệnh viện Dã chiến số 2, việc lấy ven cho các bệnh nhi trở nên khó khăn hơn nhiều khi có lớp găng bảo hộ hơn nữa còn tấm kính chắn cản trở tầm nhìn. “Có những lúc, chúng tôi phải lấy ven theo giải phẫu vì 1-2 ngày đầu không thể nhìn nổi, khẩu trang N95 làm mờ hết kính bảo hộ, lại thêm lớp kính chắn bên ngoài. Sau vài ngày, tôi dần quen hơn, đến hiện tại gần như tôi phụ trách toàn bộ việc lấy ven, mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhi”, điều dưỡng trẻ tâm sự.

Với virus có tốc độ lây lan nhanh tới 70% so với virus trước đó, nguy cơ phơi nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi đó, công việc điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 cũng có những đặc thù riêng, với nguy cơ phơi nhiễm cao. Việt Anh chia sẻ, những lúc lấy máu, người lớn thì có thể yêu cầu bệnh nhân quay mặt đi chỗ khác, nhưng với bệnh nhân nhi thì không thể như vậy, thậm chí còn việc các cháu quấy khóc.

Vì thế, trước khi lấy máu hay đặt kim truyền, Việt Anh phải làm biện pháp tâm lý để các bé yên tâm, hợp tác hơn. Gạt đi nỗi lo bị lây nhiễm, các y, bác sĩ tại đây phải bảo đảm an toàn cho bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng giống như BS Linh đã chia sẻ, đặc thù của điều trị bệnh nhi là khi nhập viện các em phải có người lớn đi kèm, thí dụ như hai mẹ con, hai bố con, bà cháu phải âm tính mới có thể ra viện, ở nhà không có ai chăm.

Vì vậy, điều dưỡng Việt Anh chia sẻ: “Chúng tôi phải nỗ lực hơn gấp đôi để giúp các cháu sớm khỏi bệnh. Khi đi hỏi thăm bệnh nhi cũng phải theo dõi luôn tình hình sức khỏe của người nhà”.

Hạnh phúc nhất trong ngày 27-2 là nhìn các bệnh nhi khỏi Covid-19 -0
 Điều dưỡng Việt Anh tâm niệm coi các bé nhe con của mình.

Việt Anh là một điều dưỡng 9X, xung phong vào tuyến đầu điều trị khi con gái anh mới sáu tháng tuổi. Anh tâm sự, mỗi khi nhìn thấy các bé, anh lại nhớ tới cô con gái bé bỏng của mình ở nhà: “Đặc thù nghề điều dưỡng của mình là chăm con người khác hơn chăm con mình. Khi chăm con người khác, tôi luôn tâm niệm coi các bé như con mình, chỉ mong các bé nhanh khỏi để được về với gia đình. Khi nhận nhiệm vụ xuống Hải Dương, tôi muốn làm gì tốt nhất cho bệnh nhân để nhanh khỏi trở về với gia đình”.

Những cố gắng của họ đã được đền đáp. Đến nay, đã có khoảng 7-8 bệnh nhi khỏi bệnh, trong đó có bệnh nhi sơ sinh và nhỏ tuổi nhất Việt Nam – K.C khiến cả ê-kíp rất mừng. Mẹ K.C vẫn nhắn tin cảm ơn bác sĩ, mặc dù mặc đồ bảo hộ kín mít nhưng tất các bệnh nhi đều nhớ mặt, chào từ xa khi thấy ê-kíp, không còn lo sợ mỗi khi được thăm khám…

Trong một ngày đặc biệt 27-2, ở một chiến tuyến nóng bỏng nhất, xa nhà gần một tháng qua, Việt Nam tâm sự, không có niềm vui nào hơn với anh trong ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay là được nhìn thấy các bệnh nhi hoàn toàn bình phục, khỏi bệnh Covid-19 và sớm được trở về với gia đình.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan