Hành động vì người lao động

Với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”, Tháng Công nhân 2023 là tháng hành động của các cấp công đoàn vì lợi ích của giai cấp công nhân, thông qua chuỗi hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu dương lực lượng tại Lễ phát động Tháng Công nhân, do Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức. (Ảnh NGÔ THÀNH)
Biểu dương lực lượng tại Lễ phát động Tháng Công nhân, do Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức. (Ảnh NGÔ THÀNH)

Tháng Công nhân cũng là dịp để các cấp công đoàn nâng cao chất lượng tổ chức, nỗ lực phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

Tháng Công nhân cũng là dịp để toàn xã hội, nhất là hệ thống chính trị cùng quan tâm, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; đồng thời, giai cấp công nhân cũng thông qua Tháng hành động, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của mình trong xây dựng đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.

Cao điểm chăm lo lợi ích đoàn viên

Một trong 5 hoạt động lớn của Tháng Công nhân năm 2023 là chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động, với mục tiêu mỗi công đoàn cơ sở - một lợi ích đoàn viên. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Sau gần ba năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, công nhân lao động là một trong những lực lượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, công nhân lao động tiếp tục thiếu việc làm và thu nhập giảm sút.

Để Tháng Công nhân trở thành đợt cao điểm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành rất sớm kế hoạch chăm lo đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân năm 2023. Theo đó, các cấp công đoàn tập trung thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mất việc hoặc ảnh hưởng việc làm, triển khai các chương trình phúc lợi cho đoàn viên.

Theo báo cáo của liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, từ tháng 9/2022 đến cuối năm 2022, đã có 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố bị cắt giảm đơn hàng. Gần 600 nghìn lao động phải giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước tình hình cấp bách, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023, với mức hỗ trợ từ 700 nghìn đồng tới ba triệu đồng/người.

Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Thị Thanh Hà, cho biết: Đến ngày 7/4, các cấp công đoàn đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho gần 17.700 đoàn viên, người lao động đủ điều kiện, với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỷ đồng. Số hồ sơ đang tiếp tục thẩm định là gần 36 nghìn, với tổng số tiền dự kiến tiếp tục hỗ trợ là gần 56,4 tỷ đồng.

Như vậy, có gần 54 nghìn đoàn viên, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ khoảng 80 tỷ đồng. Trong tháng 5, các cấp công đoàn gấp rút hoàn thành mục tiêu chi hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng là động lực tinh thần để người lao động vượt qua khó khăn.

Tháng 5 cũng là thời điểm diễn ra đại hội công đoàn cơ sở và đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Do vậy, các hoạt động cảm ơn người lao động, biểu dương doanh nghiệp vì người lao động sẽ được lồng ghép trong thời gian diễn ra đại hội, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động của đại hội, làm cho đại hội trở nên gần gũi hơn với đoàn viên, người lao động.

Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, biến động chính trị trên thế giới, cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể, hàng trăm nghìn công nhân lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, đồng nghĩa với việc người lao động phải rời bỏ khu vực có quan hệ lao động, tổ chức công đoàn mất đi đoàn viên. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của tổ chức công đoàn là phải kết nối mạnh mẽ để họ có việc làm, quay lại tổ chức, tham gia xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh trong tình hình mới.

Cũng như nhiều năm trước, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng luôn tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân từ rất sớm. Năm 2023, thành phố tổ chức lễ phát động quy mô hơn, với số lượng cán bộ công nhân viên chức lao động tham gia đông đảo hơn.

Chị Phạm Thị Nhẫn, Công ty TNHH YAZAKI, Khu Công nghiệp Nomura, thành phố Hải Phòng, cùng đồng nghiệp đến Cung văn hóa Việt Tiệp từ rất sớm tham dự lễ phát động Tháng Công nhân năm 2023 của Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức.

Chị vui mừng khoe đến với ngày hội, chị được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, cổ vũ các đội tham gia thể dục, thể thao, được phát phiếu mua hàng giảm giá, cắt tóc miễn phí. Điều khiến chị xúc động hơn cả là được khám bệnh, tầm soát ung thư miễn phí. Chị Nhẫn nói: Với một công nhân nghèo như tôi nếu không được tổ chức công đoàn hỗ trợ, ngay như việc đi khám bệnh thông thường còn ngần ngại, không dám chi khoản tiền khá lớn so với thu nhập để kiểm tra sức khỏe, đừng nói đến việc được tầm soát ung thư.

Dịp này, hàng chục nghìn công nhân lao động ở thành phố hoa phượng đỏ được đón nhận nhiều lợi ích đoàn viên do công đoàn các cấp mang lại. Để có được điều đó là nhờ những hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn đã ngày càng lan tỏa đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ như các salon tóc, trung tâm xét nghiệm, doanh nghiệp xe máy...

Nhiều năm nay, Công ty cổ phần Hàng hải Liên Minh đã đồng hành cùng Công đoàn thành phố Hải Phòng chia sẻ khó khăn với người lao động. Tháng Công nhân năm nay, công ty dự kiến thay dầu miễn phí cho 12 nghìn xe máy của công nhân lao động, với trị giá số dầu xe là hơn 1 tỷ đồng.

Ông Đào Xuân Tính, đại diện công ty cho biết: Chúng tôi muốn chia sẻ với người lao động trong tháng cao điểm bằng việc làm tuy nhỏ bé nhưng ý nghĩa thiết thực, giúp họ yên tâm phần nào trên con đường đến nhà máy, doanh nghiệp mỗi ngày...

Đặc biệt, trong Tháng Công nhân năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn để lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn, khát vọng cống hiến phát triển đất nước của công nhân, lao động. Trong đó, trọng tâm là tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội với cử tri công nhân; khuyến khích các công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc có đại biểu Quốc hội của ngành, đơn vị, tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với đoàn viên, người lao động trong ngành, đơn vị.

Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đối với Luật Nhà ở, nội dung mà các cấp Công đoàn đang theo đuổi và kiến nghị chính sách là cần hình thành chế định pháp lý bảo đảm quyền về nhà ở của công nhân, lao động theo Hiến pháp, để công nhân tiếp cận được nhà ở. Đây là vấn đề bức xúc, cần để công nhân nói lên nguyện vọng của mình đến lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), là đạo luật có tác động rất lớn đối với tổ chức công đoàn. Những ý kiến của người lao động đóng góp về Luật Công đoàn cũng là một kênh thông tin quan trọng, cần thiết và trực tiếp đến được với đông đảo thành viên của Quốc hội.