Những năm gần đây, các chủ sở hữu bản quyền rất chú ý đến sự gia tăng số lượng các dịch vụ vi phạm bản quyền nội dung số có mối liên hệ với Việt Nam. Dai dẳng hơn cả là vi phạm bản quyền phim/chương trình truyền hình.
Tháng 7/2023, Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE)-tổ chức đầu thế giới trong lĩnh vực bảo vệ thị trường pháp lý và chống vi phạm bản quyền số-đã thực hiện hoạt động knock-and-talk (gõ cửa và đàm phán) với những người điều hành hai website phát tán video giải trí lậu quy mô khổng lồ là 2embed và Zoro.to, có trụ sở được xác định là hoạt động tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 11/2023, ACE thông báo đã đóng cửa thành công một loạt website vi phạm bản quyền bao gồm cả hai website kể trên.
Tuy nhiên, theo trang thông tin về công nghệ và bản quyền TorrentFreak (Hà Lan) thì chỉ sau một thời gian ngắn đã có hai tên miền mới thay thế hai website bị “tắt máy” kia với cách vận hành tương tự. Gần đây hơn, ACE đã gửi đơn tố cáo tội phạm tới Bộ Công an, nhắm vào Fmovies và BestBuyIPTV–hai website có hàng triệu người dùng hằng tháng trên toàn cầu.
Thông báo "đổi thương hiệu" thành Aniwatch của dịch vụ phát trực tuyến trái phép Zoro.to sau khi bị đóng. Nguồn: TorrentFreak |
Mặc dù hành lang pháp lý về vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam đã có và được cập nhật, song việc xử lý vi phạm hầu hết vẫn chỉ ở mức phạt hành chính, rất ít vụ việc bị xử lý hình sự và chưa có vụ việc triệt phá cả đường dây vi phạm bản quyền trực tuyến có tổ chức... nên tính răn đe chưa cao. Trong khi, món lợi thu được từ việc ăn cắp bản quyền trực tuyến quá lớn khiến các đối tượng cầm đầu bất chấp.
Tháng trước, thông tin được các chủ sở hữu bản quyền và người quan tâm đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đón nhận như tín hiệu vui đó là: Ngày 9/1, Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phan Ngọc Tuấn (sinh năm 1994, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình); Ngô Quang Huy (sinh năm 2000) và Nguyễn Thành Nhân (sinh năm 1999) đều trú tại thành phố Hồ Chí Minh về hành vi “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự.
Qua đấu tranh bước đầu xác định, từ khoảng năm 2019, nhóm đối tượng này đã chỉnh sửa, tạo lập, điều hành 3 website phát tán phim mà không được sự cho phép của nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; thu lợi bất hợp pháp tới 80-100 triệu đồng/tháng.
Để tăng cường lời kêu gọi hành động, IIPA (đại diện cho lợi ích của các nhóm chủ sở hữu bản quyền nổi bật bao gồm MPA–Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, RIAA–Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ, ESA–Hiệp hội Phần mềm giải trí...) đã kêu gọi Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) hỗ trợ. IIPA đồng thời nêu rõ các vấn đề trong khuyến nghị của Báo cáo đặc biệt 301 năm 2023 (một trong những báo cáo thường niên của USTR về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ).
Một báo cáo tại Hội thảo chuyên đề về ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. |
Bảo vệ sản phẩm trí tuệ trong môi trường số
Theo đó, một số thách thức vi phạm bản quyền cụ thể không chỉ giới hạn ở lĩnh vực giải trí video. Dữ liệu khảo sát gần đây do Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) công bố cho thấy khoảng hai phần ba (66%) số người Việt Nam được hỏi trong độ tuổi từ 16-44 thường xuyên tải nhạc lậu. Một lựa chọn phổ biến là thông qua các nền tảng sao chép YouTube như Y2mate, được cho là có liên kết đến nhóm tổ chức, quản lý từ Việt Nam. Mặc dù Y2mate.com đã tự nguyện chặn quyền truy cập địa lý từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp và Đức, nhưng trên thực tế trang web này vẫn có thể được truy cập bằng nhiều cách.
Trong khuyến nghị của IIPA nhấn mạnh việc thiết lập khuôn khổ thực thi mạnh mẽ với sự phối hợp của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để điều tra và truy tố hình sự các website và dịch vụ vi phạm bản quyền; nâng cao uy tín và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế số.