Quặng chất cao như núi
Mỏ sắt Tiến Bộ nằm trên địa bàn xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên) và xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ) được đưa vào khai thác từ cuối năm 2013 với trữ lượng hơn 19 triệu tấn, thời gian khai thác 30 năm, công suất khai thác là 300 nghìn tấn quặng sắt/năm, thực tế khai thác 216 nghìn tấn/năm phục vụ cho Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) để sản xuất gang, phôi thép và thép xây dựng.
Tuy nhiên, với công nghệ của Tisco hiện nay, quặng sắt có hàm lượng dưới 51% Fe (quặng nghèo) và tỷ lệ ô-xít Mangan trong quặng từ 5,5% trở lên thì lò cao của Tisco không thể chế biến được thành gang.
Trong khi đó, để khai thác được quặng sắt có hàm lượng hơn 51%Fe phục vụ cho Tisco chế biến thành gang thì Mỏ sắt Tiến Bộ phải bóc dỡ, khai thác, bóc tách lượng quặng sắt có hàm lượng dưới 51%Fe kèm theo là rất lớn.
Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ Trịnh Thanh Hà, cho biết: Lò cao của Tisco không sử dụng được quặng sắt có hàm lượng dưới 51%Fe, cho nên chúng tôi phải phân loại, lưu trữ lượng quặng sắt hàm dưới 51%Fe đã khai thác từ năm 2014 tại mỏ là rất lớn, đến nay lên đến gần 3 triệu tấn. Trong quá trình khai thác, mỗi năm bổ sung từ 150-200 nghìn tấn quặng sắt có hàm lượng dưới 51% vào đống lưu trữ cao như núi. Lượng quặng này tương đương với trữ lượng của một mỏ hạng trung bình.
Giá thành khai thác mỗi tấn quặng sắt tại Mỏ sắt Tiến Bộ là 600 nghìn đồng, lượng vốn tồn đọng đối với gần 3 triệu tấn quặng nghèo là rất lớn |
Tương tự như vậy, tại Mỏ than Phấn Mễ, hiện nay cũng có hơn 100 nghìn tấn xít than sau sàng tuyển được chất cao như núi trong khu vực mỏ mà không được đưa vào lưu thông, sản xuất. Tại Mỏ than Minh Tiến, cơ quan chức năng xác định có hàng triệu tấn than đã được khai thác lên và đã sàng tuyển đang nằm ở nhiều điểm trong khu vực mỏ.
Cần tận dụng tài nguyên
Theo Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ Trịnh Thanh Hà, giá thành khai thác 1 tấn quặng là khoảng 600 nghìn đồng, với gần 3 triệu tấn quặng sắt nghèo (dưới 51%Fe) đã khai thác lên và đang lưu trữ tại mỏ, kéo theo lượng hàng hóa giá trị hàng nghìn tỷ đồng đang “đắp chiếu” mà chưa được đưa vào sản xuất. Đây là nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí.
Mặt khác, việc lưu trữ gần 3 triệu tấn quặng thời gian qua, mỗi năm có thêm từ 150-200 nghìn tấn quặng nghèo được chất cao như núi đang có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể, nguy cơ bị sạt lở, bùn đất, nước mặt tràn ra bên ngoài khi có mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân.
Khắc phục nguy cơ này, Mỏ sắt Tiến Bộ thường xuyên cử nhân lực kiểm tra, huy động thiết bị gia cố bờ đập chắn, nạo vét rãnh để thu nước về bể lắng với chi phí không nhỏ. Lưu trữ lượng quặng khổng lồ này chiếm nhiều diện tích, đến nay là khoảng 3ha đất.
Tương tự như vậy, hơn 100 nghìn tấn xít than tại Mỏ than Phấn Mễ cũng được lưu trữ từ nhiều năm nay, ảnh hưởng đến môi trường khu vực thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương.
Hơn 100 nghìn tấn xít than sau sàng tuyển đang lưu trữ tại Mỏ than Phấn Mễ có nguy cơ ô nhiễm môi trường. |
Để tận dụng quặng nghèo lưu trữ tại mỏ, thời gian vừa qua, Mỏ sắt Tiến Bộ cung cấp quặng nghèo và thuê Công ty cổ phần Thép Toàn Thắng ở Khu công nghiệp Sông Công chế biến ra gang và phôi thép. Tuy nhiên, lượng quặng được phép chế biến rất hạn chế, chỉ khoảng 181 nghìn tấn quặng nghèo, lượng quặng lưu giữ từ tháng 7/2021 trở về trước và dự kiến đến tháng 3/2024 là kết thúc.
Nguyên nhân chủ yếu là cơ quan chức năng chưa cho Mỏ sắt Tiến Bộ tiêu thụ số quặng nghèo đang tồn. Tương tự như vậy, mặc dù đã nhiều lần đề nghị, nhưng Mỏ than Phấn Mễ chưa được phép tiêu thụ hơn 100 nghìn tấn xít than, sản phẩm thải loại sau chế biến.
Nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải nhập khẩu quặng để sản xuất gang, phôi thép nhằm duy trì việc làm cho hàng vạn lao động, trong khi trên địa bàn lại đang tồn lượng quặng sắt khổng lồ là nghịch lý lớn. Đồng thời với lượng quặng nghèo đang lưu giữ tại Mỏ sắt Tiến Bộ lưu trữ hàng chục năm mà chưa được đưa vào sản xuất là sự lãng phí tài nguyên, ngân sách không thu được thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với số tiền từ 250-300 tỷ đồng.
Việc đưa lượng quặng nghèo đang lưu giữ tại Mỏ sắt Tiến Bộ, xít than tại Mỏ than Phấn Mễ, than tồn tại Mỏ than Minh Tiến vào sản xuất, lưu thông là cần thiết, vì khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường, giải phóng nguồn lực khai thác ra rồi để đấy mà các đơn vị không thu hồi được chi phí.
Khi được đưa vào sản xuất, lưu thông, lượng tài nguyên này không bị “đắp chiếu” lãng phí mà sẽ tạo ra giá trị hàng hóa rất lớn, riêng với quặng sắt nghèo tại Mỏ sắt Tiến Bộ khi được chế biến ra gang, phôi thép, thép xây dựng sẽ mang lại giá trị hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, mang lại nguồn thu cho ngân sách lên đến vài trăm tỷ đồng. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét, cho phép các đơn vị tiêu thụ để đưa lượng tài nguyên này vào sản xuất.