Thất thoát, lãng phí tài nguyên, khoáng sản quốc gia

Bài 3: Siết chặt việc quản lý, khai thác

Thất thoát, lãng phí tài nguyên, khoáng sản quốc gia luôn là vấn đề nhức nhối. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, cá nhân còn biểu hiện câu kết với một số cán bộ, công chức ở các cơ quan quản lý nhà nước báo cáo sai lệch thực tế thăm dò, khai thác… tạo ra những nhóm lợi ích "xâu xé" tài nguyên, khoáng sản. Do vậy, siết chặt quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản và ngăn chặn những biểu hiện lợi ích nhóm là những việc làm cấp thiết.

Nhiều hộ dân ở thị trấn Trại Cau (Ðồng Hỷ, Thái Nguyên) phải tháo dỡ nhà cửa do việc khai thác khoáng sản gây nứt tường, sụt lún đất, mất nước sinh hoạt.
Nhiều hộ dân ở thị trấn Trại Cau (Ðồng Hỷ, Thái Nguyên) phải tháo dỡ nhà cửa do việc khai thác khoáng sản gây nứt tường, sụt lún đất, mất nước sinh hoạt.

Cảnh báo lợi ích nhóm

Trên tuyến sông Cầu chảy qua các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong mấy năm qua, Cục Ðường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) đã triển khai dự án duy tu luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm cát, sỏi. Ðơn vị được giao trách nhiệm nạo vét dự án trên là Công ty trục vớt luồng Hạ Lưu. Chẳng biết nạo vét kiểu gì, mà cả vùng bờ, bãi phía đê hữu sông Cầu tương ứng với vị trí Km1+000 đến Km30+000 bị sạt lở, chiều dài sạt lở tới 50 m, ăn sâu vào bờ 5 đến 10 m. Tỉnh Bắc Ninh phải bỏ ra 30 tỷ đồng để xử lý sự cố sạt lở đó. Ðến tháng 2-2017, trên tuyến sông Cầu, khu vực dự án lại xuất hiện nhiều tàu thuyền khai thác cùng kiệt cát, sỏi. Thấy có biểu hiện lợi dụng dự án khai thác cát, sỏi trái phép, gây bức xúc trong nhân dân, tỉnh Bắc Ninh đề nghị dừng dự án. Ngay lập tức, nhiều chủ phương tiện vận tải thủy hoạt động trên sông Cầu làm đơn khiếu nại với nội dung: "Sông Cầu có nhiều đoạn khan, cạn, đá ngầm, dòng chảy hẹp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông thủy, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn". Thậm chí, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh còn bị nhắn tin đe dọa vì đã kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác cát trên sông Cầu.

Thực tế tỉnh Bắc Ninh luôn khẳng định tuyến sông Cầu không có điểm nào khan, cạn. Toàn tuyến cắm đủ biển báo hiệu trên bờ, cầu, dưới nước. Ðây là tuyến sông cấp 3, chỉ cho phép phương tiện thủy có tải trọng 300 tấn lưu thông. Kiểm tra 17 phương tiện của các chủ tàu thuyền có đơn khiếu nại, do ông Trần Bình đứng tên, đều có trọng tải từ 498 tấn đến 888 tấn. Số phương tiện này tham gia giao thông trên sông Cầu chẳng những vi phạm pháp luật, mà dễ bị mắc cạn, nhất là khi nước xuống thấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành cho biết: Ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh đã giải thích, trả lời những khiếu nại của các chủ phương tiện. Họ thừa nhận việc khiếu nại là do thiếu hiểu biết, chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật. Ðáng nói là, mặc dù Cục Ðường thủy nội địa nhận được Văn bản số 374/UBND-NN, ngày 29-11-2016, của UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị dừng thi công Dự án nạo vét khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, nhưng không hiểu sao cục vẫn ban hành Văn bản số 172/CÐTNÐ-QLKCHT, ngày 13-2-2017, đề xuất, kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với tỉnh Bắc Ninh tiếp tục cho nhà đầu tư thi công các đoạn khan, cạn trên sông Cầu?

Tại tỉnh Thanh Hóa, việc tổ chức đấu giá các mỏ cát cũng có dấu hiệu không minh bạch, lợi ích nhóm. Bà Lê Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện Minh Tuấn (gọi tắt là Công ty Minh Tuấn) ở thị trấn Rừng Thông (Ðông Sơn, Thanh Hóa) cho biết: Qua việc tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát số 20, ở xã Thọ Hải (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thấy nhiều phức tạp.

Ngay từ khi nộp hồ sơ ngày 29-10-2016, tại Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa, Công ty Minh Tuấn gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp, cùng tham gia đấu giá như: Công ty cổ phần Xây dựng và Ðầu tư phát triển nông thôn miền Tây và một số doanh nghiệp khác. Họ dùng nhiều thủ đoạn: Giả vờ hỏi thăm phương thức nộp hồ sơ, giả làm "cò" nhận hồ sơ nộp thay, để không cho Công ty Minh Tuấn nộp hồ sơ. Công ty Minh Tuấn phải bố trí hai người, cầm hai bộ hồ sơ, mất hơn một giờ tìm cách vượt qua hàng rào ngăn cản của một số doanh nghiệp, mới nộp được hồ sơ. Khi nộp hồ sơ cho Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa, Công ty Minh Tuấn nhận được phiếu giao nhận hồ sơ. Trong phiếu này có chữ ký bên nộp hồ sơ, bên nhận hồ sơ, có dấu đỏ của Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa xác nhận hồ sơ có hai bản thông báo công ty đã nộp tiền thuế là bản gốc. Nhưng khi xét duyệt hồ sơ thì các bản thông báo nêu trên của Công ty Minh Tuấn về nộp tiền thuế lại biến thành bản phô-tô-cóp-pi mầu. Công ty Minh Tuấn có đơn xin bổ sung hồ sơ cũng không được chấp nhận.

Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ðông cho biết: "Lỗi là do nhân viên của Trung tâm "tiện tay" thấy dấu đỏ thì tích vào mục xác nhận đó là bản gốc. Nguyên tắc bán đấu giá tài sản không có việc bổ sung hồ sơ". Chúng tôi hỏi có văn bản nào quy định không cho bổ sung hồ sơ. Ông Mai Văn Ðông trả lời: Ðể tìm mới biết có hay không.

Theo bà Lê Thị Tuyết, sự thiếu trách nhiệm của đơn vị này chưa tạo ra lợi ích hài hòa cho bên tham gia đấu giá như Nghị định số 22/2012/NÐ-CP của Chính phủ quy định về bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Do vậy, mỏ cát số 20, ở xã Thọ Xuân, chỉ có ba đơn vị tham gia đấu giá (gồm Công ty cổ phần Xây dựng và Ðầu tư phát triển nông thôn miền Tây, Công ty cổ phần thương mại Yên Anh, Công ty TNHH xây dựng Anh Ðào), làm cho giá trị bán đấu giá của mỏ cát có trữ lượng hơn 361 nghìn m3 chỉ được hơn 5 tỷ đồng là rất thấp. Trong khi đó, mỏ cát số 09, có trữ lượng hơn 422 nghìn m3 ở xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) bán đấu giá được hơn 30 tỷ đồng cùng thời điểm. Trả lời đơn thư khiếu nại của bà Lê Thị Tuyết gửi tới Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến tại Văn bản số 1905/UBND-TD, ngày 27-2-2017, chỉ đạo giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa kiểm tra, làm rõ nội dung đơn khiếu nại của Công ty Minh Tuấn.

Tại tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần Ðầu tư tài chính, thương mại dịch vụ FICO (có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) được chọn làm đơn vị thăm dò, khai thác khoáng sản trên sông Mã. Trước đó, một số cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đã móc nối với doanh nghiệp, phản ánh, báo cáo không chính xác các ý kiến của ngành chức năng trên địa bàn tỉnh về lựa chọn đơn vị tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản trên sông Mã. UBND tỉnh Sơn La ban hành Văn bản số 3245/UBND-KTN, ngày 20-10-2015, giao cho Công ty cổ phần Ðầu tư tài chính, thương mại dịch vụ FICO quyền thăm dò, khai thác khoáng sản trên sông Mã là trái với các quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, vi phạm Luật Khoáng sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Ðức Hải cho biết: Sau khi có dư luận không tốt về sự việc trên, tỉnh Sơn La đã ban hành Văn bản số 3724/UBND-KT, ngày 11-11-2016, thu hồi Văn bản số 3245/UBND-KTN vì việc lựa chọn đơn vị thăm dò, khai thác cát sông Mã (Sông Mã, Sơn La) chưa đúng quy định pháp luật.

Những loại biểu hiện lợi ích nhóm như trên đang có xu hướng phát triển ngầm trong hoạt động khai thác khoáng sản, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản ở các địa phương.

Cần siết chặt công tác quản lý

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Ðịa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lại Hồng Thanh cho biết: Ðến nay, cả nước có hơn 700 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hơn 3.500 giấy phép do các địa phương cấp. Ðơn vị tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản có đủ các thành phần: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, hợp tác xã... tập trung nhiều ở các tỉnh phía bắc. Các đơn vị được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản về cơ bản đã chấp hành Luật Khoáng sản tốt hơn. Một số doanh nghiệp khai thác đá vôi, than, cát vẫn ổn định; sản lượng đá vôi làm xi-măng đạt hơn 100 triệu m3/năm; than đạt 47 đến 48 triệu tấn/năm; cát đạt hơn 100 triệu m3/ năm.

Quản lý tài nguyên, khoáng sản là quản lý tài sản của Nhà nước. Ðể đưa hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này, cần cân nhắc thận trọng trước khi cấp phép, thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động khai thác; các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác cần chú trọng phương thức khai thác thu hồi tối đa, sử dụng đúng mục đích, gắn với bảo vệ môi trường. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðiện Biên Bùi Châu Tuấn đề nghị: Các bộ, ngành ở trung ương cần quan tâm, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản sao cho bảo đảm hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường trước khi cho phép doanh nghiệp thực hiện giải thể, phá sản. Vì Luật Khoáng sản hiện nay quy định trách nhiệm về đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường còn chưa chặt chẽ. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản xong đã phủi bỏ trách nhiệm đóng cửa mỏ, như Công ty Molybden ở Ðiện Biên. Ðối với tiền ký quỹ, theo Nghị định số 19/2015/NÐ-CP, ngày 14-2-2015 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cần phải tăng mức ký quỹ cao hơn, bảo đảm cho phép địa phương đủ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường khi doanh nghiệp "chạy làng".

Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương trước khi ký quyết định cấp phép cho doanh nghiệp thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản, phải có trách nhiệm thẩm định tài chính, năng lực của doanh nghiệp; tránh tình trạng giấy phép cứ cấp, còn hoạt động và việc giải thể của doanh nghiệp lại đùn đẩy cho cơ quan chuyên môn. UBND các huyện, thành phố trong cả nước cần chủ động tăng cường kiểm tra khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo đảm an ninh trật tự, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4-4-2017.

"Cát, sỏi, đá là khoáng sản thiết yếu, nhưng phân tán nhỏ lẻ, cho nên hoạt động khai thác trái phép khoáng sản này vẫn diễn ra ở hơn 20 tỉnh, thành phố, đến nay chưa được ngăn chặn. Một số đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản cũng bộc lộ nhiều sai phạm như: Không lập bản đồ hiện trạng; không thông báo kế hoạch khai thác khoáng sản; không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; hoặc kiểm soát tổn thất chưa tốt; đánh giá tác động môi trường còn hạn chế; một số thì chây ỳ nợ đọng thuế, thiếu trách nhiệm đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, phục hồi đất đai sau khi bòn rút tài nguyên, khoáng sản quốc gia".

LẠI HỒNG THANH

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Ðịa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường