Theo Bộ VHTT và DL, hoạt động bảo tàng hiện còn một số hạn chế, bất cập như: nội dung trưng bày chưa thật sự được quan tâm, chú ý đầu tư; nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học vẫn chưa được khai thác, phát huy để đến được với đông đảo công chúng; nhiều bảo tàng còn vắng khách tham quan… Bộ VHTT và DL đề nghị bộ, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo, đầu tư kinh phí hợp lý cho hoạt động bảo tàng; đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”. Trong đó tập trung vào các trọng tâm: Đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa tại các bảo tàng để khắc phục tình trạng trùng lặp giữa các bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội, bảo tàng cấp tỉnh và sự khô cứng, thiếu hấp dẫn của các trưng bày hiện tại; đa dạng hóa các hoạt động, đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với công chúng; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng...
Hiện, hệ thống bảo tàng Việt Nam có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Hệ thống này hiện đang lưu giữ hơn ba triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử, trong đó có tới 120 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (trong tổng số 164 bảo vật quốc gia hiện có). Tuy nhiên, phần lớn các bảo tàng nước ta hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thật sự trở thành nơi học tập, hoặc là những điểm đến hấp dẫn du khách.
Là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, hệ thống các bảo tàng cũng được coi là những điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản đặc biệt. Ngành Du lịch đã xác định hệ thống này là tài nguyên du lịch nhân văn, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ một số ít bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài, trực tiếp góp phần phát triển du lịch. Có thể kể đến, như: Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện có số lượng khách tham quan đông nhất (khoảng 1 đến 1,5 triệu lượt khách/năm); Bảo tàng Dân tộc học có doanh thu lớn nhất (khoảng 12 tỷ đồng/năm), và là một trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á cùng với Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh (năm 2018, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh là đại diện duy nhất của châu Á được vinh danh trong tốp 10 bảo tàng được du khách bình chọn tốt nhất thế giới). Vài năm gần đây, chỉ một số ít bảo tàng có được các bước đổi mới trưng bày theo hướng tăng cường các hiện vật gốc và áp dụng các phương tiện công nghệ hiện đại (như màn hình cảm ứng, kỹ thuật 3D…); cùng với đó là tăng cường các hoạt động, các chương trình trải nghiệm, giáo dục di sản văn hóa theo cách tiếp cận mới để tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Việc phần lớn các bảo tàng hiện tại mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có bảo tàng cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan; và chưa gắn kết với các chương trình du lịch, chưa thu được kinh phí từ hoạt động tham quan của du khách, là sự lãng phí tài nguyên du lịch rất đáng tiếc.
Các chuyên gia bảo tàng và du lịch đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của tình trạng nêu trên, song có lẽ, nguyên nhân lớn nhất là chính các bảo tàng đã không chuẩn bị về mọi khía cạnh để đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới và hiện đại hóa bảo tàng. Tư duy làm bảo tàng còn cứng nhắc, chậm đổi mới. Làm bảo tàng theo kiểu chỗ nào thiếu hiện vật thì sao chép, phục chế, tái tạo, trích dẫn sách vở, lập bảng biểu thống kê hoặc thay thế bằng sáng tác các loại phù điêu. Chỗ nào sẵn hiện vật thì bày la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu bố cục, tổ chức, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện. Tư duy kiểu một chiều, áp đặt này hầu như không nghiên cứu khách tham quan, không đánh giá điều tra nhu cầu công chúng và rất ít các chương trình giáo dục liên kết với trường học, với cộng đồng. Các bảo tàng chưa có bước đột phá đổi mới, hiện đại hóa trưng bày hiện vật và xây dựng những sự kiện để thu hút khách tham quan; chưa xác định công ty du lịch là khách hàng của mình và khách du lịch là nhân tố góp phần làm cho bảo tàng có giá trị...
Để không tiếp tục diễn ra tình trạng lãng phí một nguồn tài nguyên du lịch quý giá, cần sự đổi mới đồng bộ, từ tư duy của người làm công tác quản lý, nhận thức của người dân và điều kiện đi kèm là bố trí kinh phí, nhằm khai thác, phát huy tốt nhất giá trị các bảo tàng, giúp bảo tàng trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách.