Hàng trăm nghìn người hưởng lương hưu ở Thành phố Hồ Chí Minh được tăng lương

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành: 1,49 triệu đồng/tháng) từ ngày 1/7/2023. Cùng với tăng lương cho công chức, viên chức, người lao động do lương cơ sở tăng thì đối tượng hưởng lương hưu cũng được tăng mức nhận lương hưu.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm nghìn người hưởng lương hưu ở Thành phố Hồ Chí Minh được tăng lương

Theo Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần: Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật BHXH 2014 được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh như quy định sau đây:

Cụ thể, tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động, quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật BHXH 2014 được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, đối với nhóm đối tượng người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016, mức hưởng lương hưu được căn cứ vào mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Trong trường hợp lương cơ sở tăng, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng theo.

Bà Lê Thị Hồng Tân, ở phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức cho hay: Tôi về hưu đã chín năm nay, mỗi tháng nhận lương hưu 5,8 triệu đồng. Nếu tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 tôi sẽ được nhận thêm gần 1,2 triệu đồng cũng có thêm một khoản nhỏ để chi tiêu, vì vật giá lúc nào cũng tăng mà không giảm. Phấn khởi do được tăng thêm lương hưu theo quy định cũng là tâm trạng chung của những người về hưu, được nhận lương hằng tháng để chăm lo cho bản thân về mọi mặt từ sinh hoạt, tiêu dùng cho đến khám, chữa bệnh…

Theo BHXH Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết tháng 10/2022, thành phố có 246.800 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó có 169.516 người hưởng qua tài khoản ngân hàng (chiếm 68,7%) và 77.284 người hưởng nhận bằng tiền mặt.

Lương cơ sở chính thức tăng từ ngày 1/7/2023 lên 1,8 triệu đồng, do vậy mức đóng bảo hiểm y tế của công chức, viên chức, người lao động cũng sẽ thay đổi.

Mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động:

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mỗi tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo mức sau:

Mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động = 1,5% x tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong đó, mức lương cơ sở không ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động nhưng lại tác động đến mức đóng bảo hiểm y tế tối đa của nhóm đối tượng này.

Khoản 3 Điều 89 Luật BHXH, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa chỉ bằng 20 tháng lương cơ sở.

Do đó, khi lương cơ sở tăng, mức đóng bảo hiểm y tế tối đa của người lao động sẽ tăng từ 447 nghìn đồng/tháng lên thành 540 nghìn đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.

Ngoài ra, mức hưởng trợ cấp BHXH sau khi tăng lương cơ sở cũng thay đổi như: Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau; mức trợ cấp 1 lần khi sinh con; mức dưỡng sức sau thai sản; mức trợ cấp mai táng; mức trợ cấp tuất hằng tháng được căn cứ dựa trên mức lương cơ sở. Như vậy, trong trường hợp mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng thành 1,8 triệu đồng/tháng thì các khoản trợ cấp nêu trên cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo tỷ lệ tương ứng dựa theo quy định pháp luật.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021.