Giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội

Cuối năm, số lượng đơn hàng sụt giảm, chi phí nhiên liệu, vận chuyển tăng cao là những nguyên nhân cơ bản khiến cho rất nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng lớn lao động... Điều đó khiến càng có thêm nhiều người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần. Để hạn chế tình trạng này, ngành bảo hiểm mới đưa ra đề xuất chỉ được rút khoản đóng góp của người lao động hoặc được hưởng gần một tháng lương nếu rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề trên.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường tạo việc làm, chăm lo đời sống sẽ giúp người lao động yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: KIM HIẾU
Tăng cường tạo việc làm, chăm lo đời sống sẽ giúp người lao động yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: KIM HIẾU

Nhiều lao động trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần

Nằm trong diện cắt giảm lao động vì công ty không còn đơn hàng, chị Nguyễn Thị M (29 tuổi, công nhân may tại Khu công nghiệp Thăng Long) đã đến cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh (Hà Nội) làm thủ tục xin rút bảo hiểm xã hội một lần. “Lãnh đạo doanh nghiệp nói với chúng tôi, vài năm tới sẽ còn lao đao vì thị trường tiêu thụ là châu Âu và Mỹ đều khó khăn. Đơn hàng không có, công việc không còn nên tôi đành phải tự lo liệu bản thân và gia đình. Tôi có hai con nhỏ, chồng cũng làm ngoài bấp bênh. Tôi tính xin rút hơn 10 năm đóng bảo hiểm xã hội để có chút vốn về quê buôn bán. Tôi còn trẻ nên chưa tính đến việc hưởng lương hưu sau này”, chị M nói.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Nguyên nhân đầu tiên là do đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp hầu như không có tích lũy. Nên khi bị mất việc làm, họ phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình, hoặc đầu tư cho con ăn học…

Bên cạnh đó, hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Điều này được chứng minh khi số lượng người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 80,9% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần (giai đoạn 2016-2020).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp bị thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động, “thải loại” công nhân nhiều tuổi để tránh đóng bảo hiểm xã hội. Song song đó, sự thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng là nguyên nhân một số người chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. “Bởi vì, mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là duy trì việc làm cho người lao động. Nếu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để người lao động có thể yên tâm ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến bảo hiểm xã hội một lần như là một công cụ tài chính để vượt qua tình trạng khó khăn tài chính trước mắt…”, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ ra nguyên nhân.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có thể rút bảo hiểm xã hội một lần. Song, đây là khoản tích lũy để tuổi già có lương hưu trang trải cho cuộc sống, có bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe cùng nhiều chính sách khác, nên khi rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ mất đi những lợi ích lâu dài.

Tuy nhiên, việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần cũng mang cả thiệt thòi trước mắt, vì họ tự tước bỏ các quyền lợi ngắn hạn như hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Số tiền nhận về cũng ít hơn so với mức đóng. Bởi, tổng mức đóng vào Quỹ hằng năm của người lao động bằng 2,64% tháng lương, trong khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần được thanh toán bằng hai tháng lương cho một năm tham gia bảo hiểm xã hội tức là người lao động bị mất 0,64% tháng lương mỗi năm.

Điều đáng quan tâm, khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động không được cộng nối thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, nếu sau đó tham gia tiếp. Trên thực tế, không ít trường hợp từng rút bảo hiểm xã hội một lần muốn trả lại số tiền đã nhận, chấp nhận trả lãi để được trở lại hệ thống an sinh.

Theo thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi của lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30 tuổi. Số đông người rút bảo hiểm xã hội một lần là công nhân lao động có thu nhập thấp. Nếu như năm 2016, số người rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ có hơn 500 nghìn người thì đến năm 2021 con số này đã lên đến 863 nghìn người. Đặc biệt, trong hai năm đại dịch Covid-19, số người rút bảo hiểm xã hội một lần cao hơn rất nhiều lần so với đối tượng phát triển được thêm.

Vẫn đặt nặng nguyên tắc đóng, coi nhẹ hưởng

Hiện nay người lao động chỉ phải đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương đương mỗi năm họ chỉ phải đóng gần một tháng lương, trong khi rút bảo hiểm xã hội một lần lại được hưởng hai tháng lương cho thời gian tham gia.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để đề xuất phương án điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đó là: chỉ được rút khoản đóng góp của người lao động (8%) và nếu rút bảo hiểm thì chỉ được hưởng gần một tháng lương cho một năm tham gia bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp người lao động bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng hoặc chuyển ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đã nhận được các ý kiến đề xuất về phương án nhận rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo đó, người lao động được rút phần mình đã đóng là 8%, phần của người sử dụng lao động 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia. Tức là 14% này sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu bảo đảm an sinh bền vững cho người dân.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội cho rằng, giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm xã hội là có lợi cho người lao động và là định hướng khi sửa Luật Bảo hiểm, cụ thể là Điều 60. “Phương án này tốt cho người lao động chứ không phải tốt cho quỹ”, ông Lợi nói. Hiện, với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động và doanh nghiệp đóng 2,64 tháng lương nhưng khi rút một lần người nhận chỉ hưởng được hai tháng.

Ông Lợi cho rằng, nếu để lại khoản tiền đó vẫn còn và sẽ được cộng vào quá trình nếu họ quay lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp người lao động không quay lại thị trường và khi họ đến tuổi hưu sẽ được trả ngay trợ cấp hưu trí tầng một, tức trợ cấp xã hội (hiện nay 360.000 đồng mỗi tháng) mà không phải chờ đến 80 tuổi. Hoặc nếu người lao động chờ đến 80 tuổi, toàn bộ số tiền sẽ được trả một lần cùng với lãi đầu tư... “Tuy nhiên, đó là định hướng khi sửa luật, còn hiện tại rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn là quyền của người tham gia”, ông Lợi nói và cho rằng, quan trọng vẫn phải là tuyên truyền để người lao động không rút một đồng nào và chờ hưởng lương hưu để bảo đảm tuổi già không phụ thuộc con cháu, gánh nặng cho xã hội.

Còn đại diện tổ chức công đoàn thì cho rằng, cần tôn trọng nguyện vọng, tâm tư của người lao động. Cơ quan quản lý cần phải xác định rõ tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội dù là phần đóng góp của lao động hay chủ sử dụng đều là tiền của người lao động. Do đó, họ có quyền quyết định rút ra hay để lại quỹ. Vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người lao động không rút một lần và chờ hưởng lương hưu để bảo đảm tuổi già không phụ thuộc con cháu, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, đề xuất giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần được đặt ra do có nhiều ý kiến nêu mức hưởng hiện nay đang cao và quá đặt nặng nguyên tắc đóng - hưởng trong khi giảm nhẹ nguyên tắc sẻ chia. Do đó, phần giữ lại sẽ bù đắp cho quỹ hưu trí, tử tuất. “Đứng dưới góc độ đại diện cho tiếng nói của người lao động, tôi không đồng tình”, ông Quảng nói và cho rằng, thực tế một khi người lao động đã túng thiếu thì “rút bao nhiêu cũng sẽ chấp nhận và khi đó họ càng thiệt thòi”.

“Quy định mới nhất tại Bộ luật Lao động (năm 2019), tuổi hưu sẽ tăng dần 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Nếu giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm và tiến tới 10 năm, người lao động sẽ có cảm giác thời gian chờ được nhận lương hưu càng xa. Khi tuổi hưu tăng lên, thời gian chờ của người lao động càng kéo dài, có khi đến 20 năm; nếu hạ mức đóng tối thiểu xuống thời gian chờ sẽ lâu hơn. Do đó, nhiều người tính phương án nghỉ trước một năm để đủ điều kiện rút một lần. Thí dụ nếu mức đóng tối thiểu 20 năm, 19 năm họ sẽ nghỉ việc. Nếu hạ xuống 15 năm hay 10 năm, công nhân sẽ tiếp tục chẻ nhỏ quá trình để nhận trợ cấp một lần”, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến.

Giảm số năm đóng nhưng vẫn tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Dưới góc độ xây dựng chính sách, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội để người lao động hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay, xuống còn 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để nhiều người lao động có thể tiếp cận chính sách hưu trí, giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đề xuất giải pháp giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội khiến nhiều người lao động băn khoăn.

Anh Nguyễn Quang Thái (34 tuổi), công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) phân tích: Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 20 tuổi, đến năm 35 tuổi họ có đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Song, theo quy định, độ tuổi nghỉ hưu của nam giới hiện nay là đủ 62 tuổi, nếu làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại thì nghỉ sớm hơn không quá 5 năm, tức là từ đủ 57 tuổi trở lên. Vậy trong khoảng thời gian hơn 20 năm, từ năm 36 tuổi đến sau 57 tuổi, nếu người lao động dừng tham gia bảo hiểm xã hội, thì số năm họ chờ đợi để được hưởng lương hưu quá dài, đó là chưa kể không may bị tử vong trước khi đủ điều kiện hưởng lương.

Giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 1

Vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: TTXVN

Trong trường hợp thiết kế chính sách cho hưởng lương sớm hơn so với độ tuổi nghỉ hưu theo quy định, thí dụ người lao động có thời gian 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, họ sẽ hưởng lương hưu theo mức đóng trong 15 năm sau đó, thì thực tế sẽ có những trường hợp cuối đời không còn lương hưu. Vì thế, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu chưa chắc đã giảm được số người rút bảo hiểm xã hội một lần.

Chị Lê Thanh Ngà, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho rằng, theo quy định hiện hành, tuổi hưu của chị là 57 tuổi 4 tháng, tức là cần làm việc thêm 5 năm nữa và chồng chị phải làm thêm 10 năm để đạt tuổi 62. Như vậy là quá lâu vì hiện tại, sức khỏe của chị không bảo đảm. “Mắt tôi đã mờ và thường xuyên bị những cơn đau lưng hành hạ. Do đó, với người sắp hết sức lao động, việc hạ năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm “không có ý nghĩa” bởi vẫn phải chờ đến tuổi mới được lĩnh lương hưu”. Trước tình hình này, vợ chồng chị Ngà sẽ nghỉ việc và rút bảo hiểm xã hội một lần. Với số tiền dự kiến gần 300 triệu đồng, anh chị sẽ về quê để mở trang trại chăn nuôi.

Một chủ tịch công đoàn chia sẻ, đưa ra quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, tiến tới 10 năm để nhận lương hưu tuy mới là dự thảo nhưng “công nhân rất hoang mang”. Với lao động trực tiếp sản xuất, tuổi nghề chỉ kéo dài đến 40-45 tuổi. Thông thường, một số lao động lớn tuổi sẽ được bố trí làm các công việc đơn giản, phù hợp sức khỏe. Người có kỹ năng sẽ được cân nhắc lên làm quản lý. Tuy nhiên, khá nhiều người chọn rời nhà máy vì không đáp ứng nổi thời gian làm việc. “Nếu không tìm được việc làm khác, họ phải chờ 15-20 năm nữa để lĩnh lương hưu. Đó là lo lắng lớn nhất của công nhân”, vị chủ tịch công đoàn cho biết.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh), tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của nhiều nhóm lao động, đặc biệt khối trực tiếp sản xuất cách khá xa nhau, có khi lên đến 10-20 năm. Khảo sát của công đoàn thành phố về đời sống, việc làm nữ công nhân ngành may cho thấy, độ tuổi trung bình của nhóm này chỉ 34,4. Trong đó, 74% ở độ tuổi 23 đến dưới 42, chỉ 18% ngoài 43 tuổi đang làm việc. Hơn 60% của 1.300 công nhân tham gia khảo sát cho biết, sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần vì không thể tiếp tục tham gia, sợ chính sách thay đổi và có tiền phụ giúp gia đình...

Giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 2

Tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được lo khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi về già. Ảnh: TTXVN

Cần sửa đổi các quy định về tham gia bảo hiểm xã hội

Để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động, các cơ quan chức năng đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp. Giải pháp có tính chất nền tảng, cốt yếu là hỗ trợ để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, duy trì việc làm, bảo đảm đời sống, có điều kiện tham gia chính sách lâu dài. Theo hướng này, các bên ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giúp họ có cơ hội việc làm bền vững hơn. Cùng với đó là hỗ trợ về đời sống cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, những quy định về chính sách bảo hiểm xã hội cần tiệm cận hơn, có lợi hơn đối với người lao động. Mục đích cuối cùng là làm sao để họ không rời bỏ lưới an sinh. Thực tế gần đây đã có hàng trăm người lao động không thể chờ đến lúc nghỉ hưu cũng như tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, họ đành lựa chọn nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc dù biết rằng việc nhận trợ cấp một lần sẽ bị thiệt hại nhiều hơn...

Do đó, cần nghiên cứu tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hiện nay để hoàn thiện hơn, nhất là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định về chính sách bảo hiểm xã hội hưu trí. Trong đó chú trọng sửa đổi các quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ tính hưởng lương hưu khi giải quyết chế độ nghỉ hưu để bảo đảm quyền đóng, quyền thụ hưởng của người lao động.

Đặc biệt, cần nghiên cứu để ban hành và thiết kế chính sách về chế độ hưu trí phù hợp và bảo đảm theo nguyện vọng số đông của người lao động. Chế độ, chính sách hưu trí cần phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng ngành nghề cũng như đời sống, sức khỏe của người lao động. Đối với một số ngành nghề, tuổi nghỉ hưởng chế độ hưu trí cần được giảm, thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội cũng phải giảm để phù hợp hơn với thực tế hiện nay. Đặc biệt là đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Ngoài ra, việc kéo giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm hay 10 năm để người lao động đủ điều kiện để tiếp cận sớm chính sách lương hưu cũng là việc hoàn toàn hợp lý, chính đáng trong giai đoạn hiện nay. Điều đó cho thấy những quy định của luật pháp về chính sách bảo hiểm xã hội cần tiệm cận hơn, có lợi hơn đối với người lao động.

Đó cũng là cách để giữ chân người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tiếp tục tham gia an sinh xã hội, để đến khi về già ai cũng có được thu nhập hằng tháng từ tiền lương hưu, tránh tình trạng một số người lao động phải rời bỏ hệ thống an sinh xã hội để nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay.

Theo thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 97% số người chọn rút bảo hiểm xã hội một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội - điều đó nghĩa là họ đã bỏ đi quyền được bảo lưu và bỏ cơ hội tiếp tục được đóng bảo hiểm sau một năm ngắt quãng. Cứ 100 người rút bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ có chưa đến bốn người tái đóng bảo hiểm xã hội.