Hàng không-du lịch cùng “chắp cánh” trên đường bay quốc tế

NDO -

Các chuyên gia kinh tế, hàng không cũng như cơ quan quản lý nhà nước đều có chung nhận định, việc ngành hàng không "đi trước một bước" với việc dỡ bỏ hạn chế tần suất bay quốc tế từ ngày 15/2 vừa qua được đánh giá sẽ giúp ngành du lịch không bị "chậm chân" trong cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế.

Chuyến bay chở khách thương mại thường lệ của Bamboo Airways đi LB Đức, ngày 25/2.
Chuyến bay chở khách thương mại thường lệ của Bamboo Airways đi LB Đức, ngày 25/2.

Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam có thể chiếm lĩnh thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới.

Khôi phục nhanh, đồng bộ hàng không, du lịch

Tại cuộc Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam hơn 2 năm qua, đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh tế-xã hội trong cả nước.

Trong đó, du lịch và hàng không là 2 ngành chịu thiệt hại lớn nhất. Hoạt động của các doanh nghiệp hàng không đã bị ảnh hưởng trên cả mạng bay nội địa và quốc tế; kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút, tình trạng tài chính các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn.

“Gần đây, Nhà nước đã quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và chuẩn bị mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới. Những quyết định này đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động bay, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam”, ông Nề nói.

Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) Bùi Minh Đăng ví von một cách hình ảnh: Mối quan hệ mật thiết giữa ngành hàng không và du lịch giống như đôi cánh của con chim, 2 cỗ bánh của chiếc xe, 2 ngành này muốn tồn tại phải dựa vào nhau để phát triển.

Trong lượng khách hàng không vận chuyển thì có tới 70% lượng khách du lịch. Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn, hỗ trợ cho ngành hàng không.

Đánh giá năm 2022 việc khôi phục ngành hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu, ông Đăng dẫn chứng về các con số Cục Hàng không Việt Nam đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng. Trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, mới chỉ đạt hơn 50% so năm 2019 nhưng con số này vẫn khá ấn tượng khi so 2 năm dịch vừa qua. Trong số 43 triệu lượt này, Cục dự báo sẽ có khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.

Ông Đăng tính toán, đến thời điểm hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đã mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cụ thể, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến: Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Australia, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Mỹ. Còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macau (Trung Quốc), Phần Lan, Italy, Thụy Sĩ.

Tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày, trong khi tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày.

Tuy nhiên, ông Đăng cũng bày tỏ nuối tiếc khi đường bay quốc tế mới chỉ tập trung đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn những điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc, Đà Nẵng, Vân Đồn,... các hãng hàng không nước ngoài vẫn chưa khai thác. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã nhận được rất nhiều đề nghị từ quốc tế mở lại đường bay đến nước ta ở khu vực miền trung để khôi phục lại hoạt động du lịch, đây là tín hiệu đáng mừng.

Ông Bùi Doãn Nề cũng thừa nhận, việc mở lại đường bay quốc tế đang đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung, với ngành hàng không và du lịch nói riêng, đặc biệt là khó khăn do thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại; khó khăn do kiểm soát và bảo đảm an toàn cho hành khách và cộng đồng trong tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.

"Xác định là dịch bệnh chỉ kéo dài trong thời gian nhất định nên chúng ta đã chuẩn bị nhân lực để khai thông lại đường bay. Đây là một tín hiệu tích cực cho hàng không và du lịch", ông Nề nhấn mạnh.

Hàng không-du lịch cùng “chắp cánh” trên đường bay quốc tế -0
 Chuyến bay quốc tế của hãng Vietnam Airlines.

Mở cửa sớm, tạo động lực phát triển

Theo ông Bùi Doãn Nề, hiện nay rào cản lớn nhất cần tháo gỡ không chỉ đối với ngành hàng không Việt Nam mà các nước trên thế giới là cần khôi phục lại các hoạt động như trước đại dịch. Các quy định tạo rào cản giữa các nước như xét nghiệm, cách ly,… cần phải có sự đồng thuận và thống nhất.

Nhấn mạnh giải pháp Chính phủ dành sự ưu tiên, tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đón đầu sự phục hồi; đề ra các chính sách thu hút du lịch, hỗ trợ các hãng hàng không, ông Nề khuyến nghị, Việt Nam cần tận dụng tốt sự phục hồi và tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.

Theo TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang muốn thông qua 2 lĩnh vực này để tuyên bố với thế giới về việc Việt Nam đã an toàn và dần phục hồi; đồng thời cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt.

“Hiện nay, đóng góp của ngành hàng không và du lịch rất lớn nên phải mở cửa sớm để khai thông, tạo động lực phát triển. Đợt dịch vừa qua đã khiến nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp bị gián đoạn, sau hai năm đứt gãy, việc khôi phục hàng không, du lịch sẽ tạo hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế”, ông Trần Đình Thiên bày tỏ lạc quan.

Là hãng hàng không đã nối lại nhiều đường bay quốc tế và nội địa, theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, 2 năm vừa qua khi thị trường hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là dịp để Bamboo Airways củng cố lại hệ thống (mạng bay, tối ưu hóa đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển đổi số) chuẩn hóa nhân sự..., để sẵn sàng mở cửa.

Căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh, mở cửa hàng không, du lịch của Chính phủ và các cơ quan chức năng, Bamboo Airways đã chủ động chuẩn bị các phương án tối ưu cho kế hoạch tái khai thác và tăng tần suất các đường bay quốc tế ngay từ đầu năm 2022. Bamboo Airways lên kế hoạch mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên gần 40 đường bay.

Đối với khu vực châu Á và Đông Bắc Á, Bamboo Airways hiện khai thác các đường bay: Hà Nội-Narita, Hà Nội-Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội-Incheon (Hàn Quốc). Tại Đông Nam Á, Bamboo Airways lên kế hoạch triển khai đường bay TP Hồ Chí Minh-Singapore ngay trong tháng 3/2022 và dự kiến phát triển nhiều tuyến đường bay tới các nước khác trong khu vực dịp hè 2022.

Với khu vực châu Âu, trong tháng 2/2022, ngoài đường bay Hà Nội-Frankfurt (Đức), Hãng cũng đã đưa vào khai thác đường bay TP Hồ Chí Minh-Melbourne (Australia), tiếp đó dự kiến khai thác chặng Hà Nội-London (Anh) vào tháng 3/2022. Hãng cũng nhanh chóng tăng tốc triển khai các đường bay TP Hồ Chí Minh-Frankfurt (Đức), Hà Nội/TP Hồ Chí Minh-Munich (Đức) trong giai đoạn sắp tới.

Chia sẻ thêm quan điểm về mở cửa hàng không, du lịch, ông Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi nhấn mạnh, chúng ta đừng coi Covid-19 như rào cản để hạn chế mở cửa. vì vậy, Chính phủ nên mở thoáng, mở thật hàng không đón khách quốc tế, trong đó điều kiện tiên quyết phục hồi chính sách visa như trước dịch ngay lập tức và công bố luôn. Ngoài 13 nước được miễn visa cũ, nước ta cần mở rộng diện miễn visa cho toàn bộ khối EU, Australia, Newzeland,… Với Mỹ, Trung Quốc, nếu không miễn được thì đề nghị xem xét visa dài hạn 5 năm, 10 năm,… thì mới mong cạnh tranh được du lịch quốc tế.

Mở lại đường bay quốc tế