Hàng chục nghìn lượt hộ ở Quảng Trị vui vì vượt nghèo

NDO - Điều đáng ghi nhận kết quả của chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Trị được như hôm nay một phần nhờ nỗ lực tham gia không ngừng nghỉ của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những nguồn lực giúp Quảng Trị thành công trên hành trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi bò nhốt từ nguồn vốn vay ưu đãi ngân hàng của ông Lê Mạnh Hùng ở thôn Tân Văn, xã Gio An, huyện Gio Linh.
Mô hình nuôi bò nhốt từ nguồn vốn vay ưu đãi ngân hàng của ông Lê Mạnh Hùng ở thôn Tân Văn, xã Gio An, huyện Gio Linh.

Kịp thời cho vay ưu đãi phục hồi phát triển kinh tế

Để phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau Covid-19, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị (ngân hàng) luôn có cách làm hiệu quả, kịp thời giúp nhiều lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn được vay vốn ưu đãi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn.

Anh Hồ Văn Sơn ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện miền núi Đakrông được ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi 80 triệu đồng để trồng rừng tràm và nuôi bò. Anh Sơn rất mừng vì trong lúc đang gặp khó khăn, thiếu vốn để tạo việc làm, anh được ngân hàng làm thủ tục cho vay rất nhanh. Số vốn này anh Sơn mua bò giống, cùng với mua giống cây tràm trồng rừng.

Anh Sơn chỉ là một trong mấy chục nghìn lượt hộ ở Quảng Trị được vay ưu đãi của ngân hàng giúp vượt nghèo. Từng hộ dân với niềm vui vượt nghèo nhờ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp thêm những kết quả tích cực vào bức tranh giảm nghèo bền vững ở tỉnh này.

Hàng chục nghìn lượt hộ ở Quảng Trị vui vì vượt nghèo ảnh 1

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Đakrông rà soát đối tượng vay vốn trên địa bàn.

Ông Lê Mạnh Hùng ở thôn Tân Văn, xã Gio An, huyện Gio Linh, từ năm 2019, đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi bò nhốt bán thịt, trong đó vay của ngân hàng 200 triệu. 2 năm qua ông Hùng đã xuất bán được 2 lứa bò với 10 con, mỗi con bán được giá từ 40 đến 48 triệu đồng, trừ chi phí, nuôi mỗi con bò giúp ông Hùng lãi từ 13 đến 15 triệu đồng trong thời gian 15 tháng.

Hiện, ông còn 22 con bò thịt đã đến thời kỳ xuất bán. Ông Hùng cho biết, dù đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ bò thịt nhưng mô hình nuôi bò thịt từ đồng vốn vay rất có ý nghĩa.

Chủ tịch Hội nông dân xã Gio An Cái Viết Chí cho biết, có 215 hộ trong xã vay vốn của ngân hàng để phát triển kinh tế. Nhờ đồng vốn vay ưu đãi của ngân hàng nên nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.

Thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng Covid-19 tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 68/ NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chi nhánh luôn chủ động, linh hoạt trong việc cho vay, tạo động lực cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thêm điều kiện phát triển.

Tính đến 31/3/2022, nhiều doanh nghiệp được vay vốn phục hồi sản xuất như Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục và đào tạo ESI; Chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn miền trung - Trường Mầm non Tuổi Hồng; Công ty TNHH MTV Mai Linh Quảng Trị; Công ty cổ phần Du lịch Quảng Trị; Tổng công ty Thương mại Quảng Trị…

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương cho biết, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chi nhánh đã sớm giải ngân được những khoản vay, trở thành một trong ít đơn vị trong toàn quốc giải ngân gói cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động ảnh hưởng Covid-19 sớm nhất. Đó là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của cán bộ, nhân viên trong toàn chi nhánh.

Dòng chảy các chương trình tín dụng chính sách luôn được khơi thông, phủ kín toàn địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay, doanh số cho vay của chi nhánh đạt hơn 2.100 tỷ đồng, với gần 45 nghìn lượt khách hàng được vay nguồn vốn ưu đãi để giải quyết việc làm phát triển sản xuất.

Công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững

Nhiều người dân của huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, nơi định cư của phần lớn người dân tộc thiểu số nhờ vay vốn ưu đãi của ngân hàng mà thoát nghèo

Tất cả xã, thị trấn của các huyện đều có điểm giao dịch của ngân hàng hoạt động thường xuyên. Hoạt động tại các điểm giao dịch xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển tải các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, nhiều hộ nghèo ở các xã trong huyện được vay vốn ưu đãi của ngân hàng.

Có vốn, người dân đầu tư trồng, chăm sóc rừng keo, tràm, nuôi bò, cải tạo đất đồi thành ruộng trồng lúa nước, bắp lai, cho con đi học đại học... Nhờ nguồn vốn này nên nhiều gia đình có điều kiện để mở rộng đầu tư sản xuất, có thu nhập cao, xóa được nghèo khó, tỷ lệ hộ khá trong các thôn, bản tăng lên.

Hàng chục nghìn lượt hộ ở Quảng Trị vui vì vượt nghèo ảnh 2

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị ký kết hợp đồng tín dụng cho vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất sau Covid-19 với đại diện các doanh nghiệp.

Theo bà Trần Đức Xuân Hương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị, để phục vụ nhân dân, đội ngũ những người làm tín dụng chính sách luôn nỗ lực bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững của tỉnh Quảng Trị.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, tổng nguồn vốn của ngân hàng hiện đạt 3.725,8 tỷ đồng, tăng 3.558,8 tỷ đồng so với khi mới thành lập, cách đây 20 năm.

Các chương trình tín dụng được mở rộng, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 17 chương trình được triển khai và thực hiện.

Tăng trưởng tín dụng không ngừng được tăng lên qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18%/năm. Tổng dư nợ đạt 3.715,8 tỷ đồng, tăng 3.556,6 tỷ đồng, gấp hơn 23 lần so với năm 2003.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn thuận lợi, kịp thời.

Đã có hơn 66,5 nghìn lượt hộ nhờ vay vốn chính sách phát triển kinh tế đã vượt nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 33 nghìn lao động; gần 87 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí, mua sắm dụng cụ học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 109 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 6.302 căn nhà cho hộ nghèo, 757 căn nhà ở xã hội...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam ghi nhận, kết quả của chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có được như hôm nay một phần nhờ nỗ lực tham gia không ngừng nghỉ của Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những nguồn lực giúp Quảng Trị thành công trên hành trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng.

Để phù hợp hơn nữa với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, điều kiện kinh tế của người dân, đồng chí Hoàng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay chương trình tín dụng Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 30 triệu đồng/công trình; nâng mức cho vay không phải thực hiện bảo đảm tài sản đối với cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng giúp người dân giải quyết được nhiều hơn nữa nhu cầu thực sự của mình từ đồng vốn ưu đãi của ngân hàng.