Hàn Quốc trước ngưỡng cửa “xã hội siêu già”

Chính phủ Hàn Quốc đang loay hoay tìm hướng giải quyết những thay đổi nhân khẩu học đáng lo ngại trong bối cảnh nhiều người trẻ lựa chọn hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn, sinh con và số lượng người trong nhóm dân số trên 65 tuổi ngày càng tăng. Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh 0,72 cho năm 2023, mức thấp nhất thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Người cao tuổi trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Người cao tuổi trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Dân số từ 65 tuổi trở lên của Hàn Quốc đã vượt mốc 10 triệu người trong tháng 7 vừa qua, chiếm 19,5% tổng dân số và khiến Hàn Quốc ngấp nghé ngưỡng một “xã hội siêu già”. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một xã hội siêu già là khi dân số trên 65 tuổi đạt 20% tổng số dân. Các chuyên gia chỉ ra, giá nhà cao và thị trường việc làm khó khăn là những lý do chính khiến nhiều người trẻ không muốn kết hôn và sinh con, tiềm ẩn nhiều hệ lụy lớn cho xã hội.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng nguồn cung lao động và năng suất lao động cùng giảm sẽ kéo theo khả năng tăng trưởng kinh tế ở quốc gia Đông Bắc Á này. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cảnh báo, việc thế hệ sinh trong giai đoạn 1964-1974 bắt đầu về hưu từ năm nay sẽ khiến tăng trưởng hằng năm của Hàn Quốc giảm khoảng 0,4%/năm trong vòng 10 năm tới.

Các nghiên cứu cũng dự báo dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi của xứ sở Kim chi có thể giảm hơn 50% trong 50 năm tới. Tình trạng già hóa dân số nhanh chóng cũng dẫn đến chi phí y tế tăng cao, gây áp lực lên sự ổn định của hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia.

Thống kê do Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố cho thấy, trong năm 2023, do tỷ lệ sinh thấp ở mức kỷ lục, số lượng nhà trẻ hoạt động tại Hàn Quốc đã giảm gần 2.000 cơ sở so với năm 2022. Trong khi đó, số lượng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi lại tăng đáng kể.

Số lượng cơ sở phúc lợi dành cho người cao tuổi, bao gồm trung tâm phúc lợi người cao tuổi, viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc người cao tuổi... đã tăng thêm hơn 3.300 cơ sở.

Trong nỗ lực giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp nghiêm trọng, Ủy ban Tổng thống về chính sách dân số và xã hội già hóa Hàn Quốc đã công bố gói chính sách mới, theo đó, các gia đình có con nhỏ dưới 2 tuổi sẽ được ưu tiên hàng đầu nhận phân bổ nhà ở do Chính phủ cho thuê.

Đồng thời, Ủy ban này đang thảo luận phương án khuyến khích sinh con, gồm trợ cấp hằng tháng 1,2 triệu won (khoảng 867 USD) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuyển dụng các nhân viên tạm thời thay thế các nhân viên nghỉ làm để sinh con, tăng so với mức 800.000 won hiện nay.

Bối cảnh xã hội Hàn Quốc đang đồng thời trải qua tình trạng già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp so với các quốc gia khác làm dấy lên lo ngại về tương lai của đất nước này khi năng suất lao động cùng nguồn cung lao động cùng giảm sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, khi dân số già tăng lên và số người hưởng lợi từ quỹ lương hưu quốc gia nhiều hơn số người đóng góp vào quỹ, cán cân tài chính của quỹ lương hưu quốc gia Hàn Quốc có thể sẽ chạm đáy vào năm 2055. Theo Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội già hóa của Đại học Hanyang Lee Sam-sik, Hàn Quốc cần phải xác định lại định nghĩa về người cao tuổi, nhất là khi nhiều người trong nhóm tuổi ngoài 65 nhưng vẫn còn khỏe mạnh và nếu đẩy nhóm dân số này ra khỏi các hoạt động kinh tế như hiện nay sẽ là sự lãng phí cho các cá nhân và quốc gia.

Trong báo cáo về kinh tế Hàn Quốc mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra nhận định rằng, việc kéo dài thời gian làm việc và tăng cường sử dụng người cao tuổi trong nền kinh tế sẽ là biện pháp hiệu quả, đóng góp cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và kết quả tài chính của Hàn Quốc.

Nhằm cải thiện thị trường lao động, OECD khuyến nghị, Hàn Quốc cần tính toán và áp dụng một hệ thống tiền lương linh hoạt, trong đó gắn tiền lương với đặc điểm vị trí việc làm và hiệu suất, không phân biệt tuổi tác. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc có thể cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu trong luật lao động và loại bỏ dần độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc tại các doanh nghiệp.