Tốc độ “già hóa” đáng báo động
Số liệu thống kê từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết, tính đến ngày 10/7 vừa qua, dân số trên 65 tuổi tại Hàn Quốc đạt 10.000.062 người, chiếm 19,51% tổng số dân; ước chừng số người trên 65 tuổi sẽ vượt quá 20% vào năm 2025. Tốc độ già hóa dân số dự kiến sẽ còn diễn ra nhanh hơn nữa, trong đó dân số cao tuổi có thể sẽ vượt quá 30% vào năm 2035 và đạt 40% vào năm 2050.
Đáng chú ý, tỷ lệ người cao tuổi giữa các vùng tại Hàn Quốc cũng rất khác nhau, khiến đây trở thành vấn đề đòi hỏi sự ứng phó không chỉ của chính phủ mà còn của chính quyền địa phương. Các khu vực đô thị như Seoul, Gyeonggi và Incheon chưa thực sự bước vào thời kỳ xã hội siêu già, tuy nhiên, ở các địa phương khác như tỉnh Nam Jeolla, tỷ lệ người già lên tới 26,67%; tỉnh Bắc Gyeongsang là 25,35%; tỉnh Gangwon là 24,72% và tỉnh Bắc Jeolla là 24,68% - được xếp loại xã hội siêu già do dân số cao tuổi đã chiếm từ 20% trở lên so với tổng số dân.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số”, đồng thời cho biết sẽ khởi động hệ thống đối phó tổng lực toàn quốc trong bối cảnh tỷ lệ sinh của nước này ở mức siêu thấp. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc - số con mà một phụ nữ có trong đời - giảm còn 0,72 vào năm 2023, khiến Hàn Quốc trở thành thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có tỷ lệ dưới 1. Hàn Quốc đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng dân số, với dân số đang ngày càng già đi và ít người sinh con hơn.
Phát biểu tại hội nghị năm 2024 của Ủy ban đối phó tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ ra rằng, xã hội Hàn Quốc đang đối mặt nhiều thách thức đa dạng, nhưng vấn đề căn bản và nghiêm trọng nhất chính là khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh siêu thấp. Ông cho rằng phải nghiêm túc xem xét nguyên nhân khiến những nỗ lực của chính phủ trong suốt thời gian qua không đạt được kết quả. Trong 16 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi 280.000 tỷ won (202,82 tỷ USD) ngân sách để khuyến khích người dân sinh con nhưng tỷ lệ sinh hằng năm tiếp tục giảm và năm sau thấp hơn năm trước.
Giới phân tích chỉ ra rằng, khi dân số già tăng lên và số người hưởng lợi từ quỹ lương hưu quốc gia nhiều hơn số người đóng góp vào quỹ, cán cân tài chính của quỹ lương hưu quốc gia Hàn Quốc có thể sẽ chạm đáy vào năm 2055. Bên cạnh đó, sự già hóa dân số cũng dẫn đến chi phí y tế tăng lên và gây áp lực lên sự ổn định của hệ thống bảo hiểm y tế. Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội già hóa của Đại học Hanyang Lee Sam-sik cho biết, sự gia tăng dân số già cũng đồng nghĩa với sự gia tăng dân số phụ thuộc. Điều đó có nghĩa là số người cần nhận lương hưu và trợ giúp về bảo hiểm y tế cũng ngày càng tăng.
Giải pháp cho vấn đề cấp bách
Trước tình trạng dân số già tác động tiêu cực tới thị trường lao động, tăng trưởng kinh tế và có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội, trở thành vấn đề cấp bách của quốc gia, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đề cập việc thành lập Bộ Hoạch định chiến lược dân số do Phó Thủ tướng phụ trách xã hội đứng đầu. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển quốc gia trung và dài hạn về dân số, trong đó có tổng hợp các chính sách về tỷ lệ sinh thấp, xã hội già hóa và chính sách nhập cư.
Bộ mới sẽ đóng vai trò là tháp điều khiển về dân số, có quyền thẩm định trước dự toán ngân sách về tỷ lệ sinh, có chức năng hoạch định, đánh giá và điều phối các chính sách về dân số, tham vấn trước với dự án của các địa phương. Văn phòng Tổng thống cũng sẽ lập ra Văn phòng Cố vấn đối phó tỷ lệ sinh thấp, trực tiếp thúc đẩy các chính sách. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung nguồn lực chính sách vào ba lĩnh vực trọng tâm là cân bằng cuộc sống gia đình và công việc, chăm sóc nuôi dạy con cái và vấn đề nhà ở.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết sẽ nâng tỷ lệ nam giới nghỉ làm chăm sóc con nhỏ hiện ở mức 6,8% lên 50% và từ 70% lên 80% ở phụ nữ trong nhiệm kỳ của ông. Liên quan chính sách chăm sóc nuôi dạy trẻ, ông Yoon Suk Yeol cam kết sẽ làm tròn trách nhiệm của nhà nước với việc chăm sóc nuôi dạy trẻ từ 0-11 tuổi trong nhiệm kỳ của mình, nhất là giáo dục, chăm sóc trẻ miễn phí từ 3-5 tuổi.
Ông cũng cam kết sẽ ưu tiên phân bổ nhà ở cho những gia đình có con nhỏ, cho vay lãi suất thấp để các cặp vợ chồng mới cưới có tiền mua nhà hoặc đặt cọc thuê nhà trọn gói, ưu đãi thêm về lãi suất mỗi khi sinh con, khấu trừ thuế với các khoản chi phí kết hôn để giảm gánh nặng kết hôn cho thanh niên.
Nhằm thu hút nguồn nhân lực trẻ tài năng cho các ngành công nghiệp quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Xứ Kim chi đang đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già và tỷ lệ sinh thấp, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng các loại thị thực và tạo điều kiện việc làm thuận lợi hơn cho khoảng 163.000 sinh viên quốc tế đang sinh sống và học tập tại nước này. Đây là biện pháp tạm thời nhằm bù đắp khoảng trống nguồn nhân lực được tạo ra bởi một trong những nguyên nhân là dân số bị già hóa, trong khi Chính phủ Hàn Quốc đang đẩy mạnh thực thi các chính sách nhằm giải bài toán dân số già.