Thách thức về xã hội siêu già ở Hàn Quốc

Theo số liệu thống kê, dân số trên 65 tuổi tại Hàn Quốc vào tháng 7/2024 đạt hơn 10 triệu người, chiếm 19,51% tổng số dân. Số người trên 65 tuổi dự kiến vượt quá 20% vào năm 2025, khi đó kỷ nguyên của xã hội siêu già ở “xứ kim chi” sẽ chính thức bắt đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Vấn đề dân số già đang gây nhiều nỗi lo cho Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Vấn đề dân số già đang gây nhiều nỗi lo cho Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho thấy, tốc độ già hóa dân số thậm chí còn diễn ra nhanh hơn, trong đó dân số cao tuổi có thể sẽ vượt quá 30% vào năm 2035 và đạt 40% vào năm 2050. Đáng chú ý, tỷ lệ người cao tuổi giữa các vùng tại Hàn Quốc cũng rất khác nhau, khiến đây trở thành vấn đề đòi hỏi sự ứng phó không chỉ của chính phủ mà còn của chính quyền địa phương.

Các đô thị lớn như Seoul có tỷ lệ người già là 18,96%, Gyeonggi (16,09%) và Incheon (17,12%), chưa thật sự bước vào thời kỳ xã hội siêu già. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng dễ hiểu bởi các đô thị lớn là điểm đến của giới trẻ do dễ tìm việc làm. Tuy nhiên, ở các địa phương khác như tỉnh Nam Jeolla, tỷ lệ người già lên tới 26,67%, tỉnh Bắc Gyeongsang 25,35%, tỉnh Gangwon 24,72% và tỉnh Bắc Jeolla 24,68%, được xếp loại xã hội siêu già do dân số cao tuổi chiếm từ 20% trở lên so tổng số dân.

Do xã hội Hàn Quốc đang đồng thời trải qua tình trạng già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp so các quốc gia khác, nên có không ít quan điểm tiêu cực về tương lai của “xứ kim chi” phải đối mặt như năng suất lao động giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ có chiều hướng chậm lại do nguồn cung lao động không đáp ứng. Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, khi dân số già tăng lên và số người hưởng lợi từ quỹ lương hưu quốc gia nhiều hơn số người đóng góp vào quỹ, cán cân tài chính của quỹ lương hưu Hàn Quốc có thể sẽ chạm đáy vào năm 2055.

Bên cạnh đó, sự già hóa dân số cũng dẫn đến chi phí y tế tăng, gây áp lực lên sự ổn định của bảo hiểm y tế. Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội già hóa của Trường đại học Hanyang, ông Lee Sam-sik cho biết, sự gia tăng dân số già cũng đồng nghĩa với sự gia tăng dân số phụ thuộc. Điều đó có nghĩa số người cần nhận lương hưu và trợ giúp về bảo hiểm y tế cũng ngày càng tăng, qua đó áp lực tài chính đối với quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế không ngừng tăng lên.

Chuyên gia Lee Sam-sik nhấn mạnh, sự gia tăng dân số cao tuổi cũng có nghĩa là dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc đang giảm dần, do đó việc tìm ra biện pháp ứng phó vấn đề này cần được xem xét như một nhiệm vụ quốc gia. Trong trường hợp quỹ lương hưu không thể đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của người cao tuổi, tình trạng nghèo đói của tầng lớp người già có thể trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Chuyên gia Lee Sam-sik cho rằng, đã đến lúc Hàn Quốc cần xác định lại định nghĩa về người cao tuổi, chẳng hạn như nâng mức tuổi lên thành 70-75. Nhiều người trong nhóm tuổi ngoài 65 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nếu tách nhóm dân số này khỏi các hoạt động kinh tế như hiện nay là sự lãng phí cho cá nhân và quốc gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xã hội già hóa diễn ra nhanh chóng thì những tác động mà xã hội Hàn Quốc phải đối mặt chắc chắn sẽ gia tăng. Chuyên gia về phúc lợi xã hội, Giáo sư Gu Hye-young thuộc Trường đại học Hanyang Cyber cho rằng, trước hết cần bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi, đồng thời cung cấp công việc phù hợp cho họ. Việc kêu gọi lứa tuổi thanh, thiếu niên tham gia hoạt động thiện nguyện là quan trọng, song nếu người cao tuổi được đóng góp cho xã hội dù là việc nhỏ sẽ giúp họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Giáo sư Seok Jae-eun thuộc Khoa Phúc lợi xã hội của Trường đại học Hallym nhận định, việc giải quyết xung đột thế hệ giữa người trẻ và người cao tuổi cũng phải đặt thành ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cần tìm kiếm môi trường chung sống giữa các thế hệ, giảm bớt sự khác biệt và khoảng cách do tuổi tác thông qua việc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, theo chuyên gia Seok Jae-eun, tình trạng dân số già hóa là nỗi lo không chỉ đối với “xứ kim chi” mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới.