Tháo ngòi khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc và đại diện của các bác sĩ sắp đàm phán nhằm tìm phương án chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài liên quan kế hoạch cải cách y tế của chính phủ. Đây là tin vui với nhân viên ngành y và nhất là những bệnh nhân đang xếp hàng chờ khám, chữa bệnh ở xứ Kim chi.
0:00 / 0:00
0:00
Một cuộc gặp giữa đại diện các bác sĩ ở Seoul và Chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP
Một cuộc gặp giữa đại diện các bác sĩ ở Seoul và Chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP

Động thái này diễn ra khi người đứng đầu theo đường lối cứng rắn của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) Lim Hyun-taek có dấu hiệu nhượng bộ, thúc đẩy KMA thành lập một ủy ban để tiến hành các cuộc đàm phán với chính phủ.

Cuộc đình công của các bác sĩ khiến các bệnh viện lớn ở thủ đô Seoul thiệt hại nặng về tài chính. Theo thông báo của chính quyền Seoul, hai bệnh viện lớn của thủ đô là Trung tâm Y tế Seoul và Trung tâm Y tế Boramae có nguy cơ thiệt hại gần 100 tỷ won (khoảng 71,89 triệu USD) trong năm nay nếu các bác sĩ thực tập không quay lại làm việc.

Ngay trong cuộc họp đầu tiên, ủy ban đã hoan nghênh lập trường của Chính phủ Hàn Quốc đàm phán với các bác sĩ mà không đặt điều kiện tiên quyết về nội dung và hình thức đàm phán.

Niềm vui nhân đôi khi các giáo sư y khoa tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNU) và các đơn vị liên kết quyết định chấm dứt đình công, với lý do là họ không thể tiếp tục thờ ơ với bệnh nhân. Quyết định khá bất ngờ này đã giúp giảm căng thẳng về kế hoạch cải cách y tế tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, chính quyền Hàn Quốc đang tỏ ra mạnh tay với những nhân viên ngành y vi phạm quy định. Cơ quan điều tra quốc gia Hàn Quốc đang điều tra năm bác sĩ, trong đó có bốn người làm việc ở SNU, liên quan cáo buộc vi phạm Luật Y tế do tham gia đình công tập thể.

Theo Giám đốc Cơ quan điều tra quốc gia Hàn Quốc Woo Jong-soo, cuộc điều tra được tiến hành sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của Bộ Y tế và nhiều bệnh nhân, trong đó cáo buộc năm bác sĩ trên từ chối phục vụ người bệnh trong thời gian tham gia đình công.

Một số bác sĩ tại SNU tham gia đình công vô thời hạn từ hôm 17/6 để phản đối Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y từ năm 2025. Tuy nhiên, trước sự phản đối của người dân, ngày 21/6, nhóm bác sĩ này quyết định chấm dứt đình công, trở lại bệnh viện làm việc.

Cuộc đình công của các bác sĩ khiến các bệnh viện lớn ở thủ đô Seoul thiệt hại nặng về tài chính. Theo thông báo của chính quyền Seoul, hai bệnh viện lớn của thủ đô là Trung tâm Y tế Seoul và Trung tâm Y tế Boramae có nguy cơ thiệt hại gần 100 tỷ won (khoảng 71,89 triệu USD) trong năm nay nếu các bác sĩ thực tập không quay lại làm việc.

Trong số 203 bác sĩ tại Trung tâm Y tế Seoul, có 22% là bác sĩ thực tập và tỷ lệ này tại Boramae là 33,9%. Cuộc bãi công khiến công suất sử dụng giường bệnh tại hai cơ sở y tế hàng đầu này giảm hơn 20% và số bệnh nhân ngoại trú của Trung tâm Y tế Boramae giảm hơn 10%.

Các trung tâm y tế nêu trên đã phải kích hoạt chế độ quản lý khẩn cấp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí. Chính quyền Seoul cho biết có kế hoạch “bơm” 45,6 tỷ won giúp hai bệnh viện này duy trì các dịch vụ y tế cần thiết cho người dân.

Cuộc khủng hoảng y tế ở xứ Kim chi bùng phát từ tháng 2/2024 sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 người bắt đầu từ năm học 2025. Hơn 12.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh Hàn Quốc không đến bệnh viện để phản đối kế hoạch đó, gây ra cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng.

Bất chấp làn sóng nghỉ việc của những bác sĩ tập sự cũng như sự phản đối của các giáo sư y khoa và nhiều hiệp hội ngành y, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, song điều chỉnh mức tăng từ 2.000 xuống 1.500 sinh viên.

Phía Chính phủ Hàn Quốc giải thích kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y là nhằm ứng phó tình trạng dân số già và phân bổ thêm bác sĩ cho vùng nông thôn.

Tuy nhiên, giới y khoa nhận định việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục y tế, khiến chi phí y tế của bệnh nhân tăng cao hơn. Họ cho rằng chính phủ trước hết cần cải thiện chế độ lương, thưởng, đãi ngộ cho các bác sĩ; còn người dân xứ Kim chi lại mong mỏi cuộc khủng hoảng ngành y sớm khép lại để hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trở lại bình thường.