Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hải Phòng, tổng số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố Hải Phòng từ đầu năm 2024 đến nay đã tăng nhanh, vượt hơn 10 nghìn ca và xuất hiện ở 14/15 quận, huyện.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 17/8, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận 10.277 ca mắc sốt xuất huyết Dengue.
Trong đó, tại một số địa phương ghi nhận có số ca mắc sốt xuất huyết Dengue cao như các quận: Lê Chân 4.812 ca, Hải An 1.632 ca, Ngô Quyền 1.580 ca…; các huyện: An Dương, Vĩnh Bảo và các quận: Kiến An, Hồng Bàng cũng ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết Dengue từ 302 đến 441 ca; các huyện: Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, An Lão cũng ghi nhận từ 132-157 ca mắc…
Theo CDC Hải Phòng
Lãnh đạo quận Hải An (Hải Phòng) kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn. (Ảnh: haiphong.gov.vn) |
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn triển khai phương án và các biện pháp tích cực nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Sở Y tế Hải Phòng cũng tổ chức họp với các đơn vị trong ngành, các địa phương, Sở Xây dựng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị… triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, Sở Y tế Hải Phòng tập trung triển khai các hoạt động như: đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch; vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật đựng nước đọng; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các phường, xã trên địa bàn…
Đồng thời, các ngành, các địa phương, đơn vị cũng phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đến các thôn, xóm, tổ dân phố; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng về sốt xuất huyết….
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng kiểm tra công tác triển khai phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương. (Ảnh: haiphong.gov.vn) |
Theo đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng, Sở đã ban hành công văn và đôn đốc các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp thuộc sở chủ động thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom vật dụng xây dựng tại các khu đất trống, công trường đang thi công và nơi ăn, ở, sinh hoạt của công nhân; chủ động diệt bọ gậy, ngủ màn để tránh muỗi đốt...
Cùng với đó, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hải Phòng đề nghị với chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với công ty để quản lý các bãi rác thải tự phát trên địa bàn các quận, huyện.
Xuất hiện ca tử vong do sốt xuất huyết, Hải Phòng quyết liệt chỉ đạo phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục, trong thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã nỗ lực, quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch; tuy nhiên, công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố thời tiết, môi trường, quá trình đô thị hóa…., nên dịch bệnh vẫn gia tăng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục đề nghị Sở Xây dựng Hải Phòng tiếp tục đôn đốc các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue; thành lập đoàn kiểm tra tập trung vào các điểm trọng yếu tại các địa phương có số ca mắc tăng cao.
Ngành y tế tăng cường tuyên truyền lưu động về công tác phòng chống sốt xuất huyết. |
Cùng với đó, các ngành, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, nhất là việc phun thuốc muỗi ở những nơi có nguy cơ muỗi nhiều, tuyên truyền cho công nhân về các việc cần làm để phòng, chống dịch.
Mặt khác, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Phòng Y tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát toàn bộ công trường dang dở, bãi đất trống, các công trình thuộc thẩm quyền của địa phương và huy động toàn hệ thống chính trị ra quân tổng vệ sinh diệt loăng quăng, bọ gậy, phun thuốc muỗi; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm các trường hợp không hợp tác trong phòng, chống dịch…
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cũng đề nghị CDC Hải Phòng tiếp tục phối hợp các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue; chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc-tơ, giám sát ổ dịch...); nâng cao chất lượng công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để…