Theo Vinacomin, công nghệ nguồn để sản xuất alumin trên thế giới đang sử dụng phổ biến là công nghệ bayer, sản xuất alumin bằng phương pháp thuỷ luyện. Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ áp dụng công nghệ bayer châu Mỹ chứ không phải công nghệ Trung Quốc.
Theo thống kê, năm 2007 trên thế giới có 27 nhà máy sản xuất alumin thì 26 nhà máy sử dụng công nghệ tương tư như áp dụng ở Tân Rai và Nhân Cơ.
Công nghệ sử dụng khí hóa than được sử dụng cho nhà máy cũng là công nghệ tiến tiến, đang áp dụng phổ biến trên thế giới. Hệ thống khí hóa than của dự án được thiết kế có thể sử dụng được cả than xấu và than tốt. Tuy nhiên, do dự án có vị trí xa biển và khu vực mỏ khai thác than nên dự án sử dụng than tốt để tăng hiệu quả, giảm chi phí vận chuyển than.
Sản phẩm alumin của hai dự án có dạng cát, hàm lượng oxit nhôm đạt từ 98,8 đến 99%, được ưa chuộng trên thị trường. Thiết bị chính của dây chuyền là các thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống gia nhiệt ống chùm đạt hiệu suất truyền nhiệt tôt; thiết bị lắng - rửa tốc độ cao, thích hợp để lắng - rửa bùn đỏ của loại quặng bauxite rất khó lắng ở Tây Nguyên,…
Cả hai dự án đều có hiệu suất thu hồi sản phẩm alumin cao và tiêu hao nguyên liệu, nước, điện năng thấp hơn so với một số dự án khác trên thế giới. Phương pháp thải bùn đỏ đang áp dụng ở hai nhà máy không phải phương pháp thải ướt mà là phương pháp thải chồng lớp khô. Bùn đỏ qua năm bước rửa để thu hồi xút và qua hai thiết bị cô đặc để có độ rắn đạt 46,5%, thải ra khu chứa bùn đỏ với độ pH 10-12.
Bùn được trải luân chuyển, quay vòng từng lớp mỏng chồng lớp lên nhau trên khu thải để lớp bùn được thải trước khô trước khi trải lớp bùn tiếp theo. Thống kê năm 2007, có tới 70% nhà máy sử dụng phương pháp thải chồng lớp khô. Thực tế tại khu thải bùn đỏ ở Tân Rai hiện nay, sau khoảng 10 ngày, người có thể đi lại bình thường trên những vị trí đã thải.
Bùn đỏ thải sau 10-12 ngày đã đóng rắn, đi lại bình thường được.