Ca khúc cho thiếu nhi có lẽ chưa khi nào được nhìn nhận như là sản phẩm thị trường thật sự, có cung-cầu ổn định. Tâm lý "cho đi" với các sản phẩm phục vụ trẻ em vẫn là tâm lý cố hữu của nhiều bên liên quan trong việc sử dụng, dàn dựng, trình diễn ca khúc dành cho thiếu nhi, ngoại trừ một số chương trình truyền hình thực tế có nguồn thu từ quảng cáo... Chính vì thế, số lượng nhạc sĩ viết ca khúc cho trẻ em lâu nay suy giảm và chất lượng, sức hấp dẫn của các ca khúc mới cũng không đủ mạnh để trở nên phổ biến, đi vào tâm hồn người nghe.
Sau các cuộc thi, trại sáng tác, bài hát "đi" đâu?
Hằng năm, có thể không đều đặn, nhưng ở nhiều nơi trên cả nước vẫn diễn ra các cuộc thi, trại sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi, nhất là ở những thành phố lớn, địa phương có hoạt động thanh thiếu niên sôi nổi, như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Trị,…
Những hoạt động như vậy khuấy động phong trào, thu hút sự quan tâm của không chỉ giới sáng tác chuyên nghiệp mà còn cả những người viết nhạc không chuyên, đặc biệt là thầy, cô giáo trong nhà trường phổ thông. Cuộc thi, trại sáng tác nào cũng có tổng kết, trao giải, dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục được giải, có khi có cả chương trình tọa đàm, trao đổi chuyên môn kèm theo... Nhưng sau đó, câu hỏi lớn là các ca khúc, nhất là ca khúc đạt giải - có nghĩa là có chất lượng nghệ thuật, "đi" đâu, "về" đâu?
Đầu năm 2021, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi trên cả nước. Sau một tháng rưỡi kể từ ngày chính thức phát động, Ban tổ chức nhận được hơn 600 ca khúc dự thi của nhiều người sáng tác chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp cả nước, trong đó, có nhạc sĩ gửi cùng lúc 22 bản sáng tác. Một giải nhất cùng với hàng chục giải thưởng thuộc các thứ hạng khác đã được trao. Cuốn sách giới thiệu "80 ca khúc mừng sinh nhật Đội TNTP Hồ Chí Minh" đã được xuất bản và phát hành. Một số ca khúc đã được chọn dàn dựng, biểu diễn trong một số chương trình kỷ niệm.
Tuy nhiên, theo thời gian, mọi sự lắng xuống và đến nay, ngay cả với ca khúc đạt giải nhất của cuộc thi quy mô toàn quốc này, việc đưa nó trở nên phổ biến cũng không đơn giản. Theo anh Huỳnh Huệ Minh (bút danh Huỳnh Trà), tác giả ca khúc đạt giải nhất, Tiến bước lên Đoàn, Đội ta sẵn sàng, một trong những lý do khiến ca khúc chưa được nhiều nơi dàn dựng, biểu diễn là do phần lời của ca khúc có câu "Mừng Đội ta tám mươi mùa hoa...", trong khi theo thời gian, số "mùa hoa" của Đội tăng lên, thành ra không phù hợp (!). Anh Minh hiện là Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Từ thực tế công tác phong trào trong nhà trường, anh Minh cũng có cảm hứng sáng tác nhiều ca khúc cho các em. Tuy nhiên, việc phổ biến luôn gặp nhiều khó khăn, hầu như dừng lại ở một bộ phận đoàn viên, đội viên trong địa phương tỉnh nhà. "Các bài đó chủ yếu là do tôi tự biểu diễn, ai thích thì chia sẻ vì phần lớn chưa được phối nhạc bài bản" - anh Minh bày tỏ. Anh Minh là hội viên chuyên ngành âm nhạc của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh.
Nỗ lực tự nguyện của riêng người sáng tác chưa thể đủ
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, chủ nhân của 300 bài hát dành cho thiếu nhi, viết trong vòng tám năm qua, cũng xác nhận với chúng tôi về sự khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác, ngoại trừ nỗ lực của cá nhân anh. Sau khi cuốn sách in 100 bài hát thiếu nhi của anh được bán hết, một nhà xuất bản lớn trong nước cũng đã có những động thái bàn bạc cùng anh để tiếp tục xuất bản ấn phẩm in 300 bài, nhưng đã hai năm trôi qua, việc này chưa thể tiến hành.
Không chờ đợi, kết hợp với một số đối tác về trang thiết bị thu âm, ghi hình…, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chủ động phổ biến ca khúc của mình, tiếp tục theo cách hoàn toàn miễn phí. Cuối tháng 4/2023, anh đăng ký mở một kênh YouTube mang tên 300 bài hát thiếu nhi (có thể tìm kiếm theo tên khác: Cùng con tập hát). Tại thời điểm đăng tải bài viết này, đã có chín ca khúc được phát. Kế hoạch trước mắt của Nguyễn Văn Chung là đăng tải đều đặn mỗi tuần một ca khúc. Anh hy vọng, cùng với tập nhạc được in, kênh YouTube này sẽ hợp thành sự tham khảo bài bản, dễ dàng cho tất cả những đơn vị, cá nhân nào muốn dàn dựng lại cho học sinh, con em của mình…
Chia sẻ với chúng tôi về khả năng và lý do thực hiện kênh này, anh cho biết: "Tôi may mắn có nguồn thu từ tiền tác quyền các ca khúc dành cho người lớn. Đó còn là sự yêu mến từ khán thính giả, công chúng nói chung dành cho tôi, nên tôi thấy bản thân cần tiếp tục dành lại một phần tình cảm ấy sang các em thiếu nhi".
Nhưng có bao nhiêu người có thể làm và bắt tay vào làm thật sự như Nguyễn Văn Chung, trong khi số lượng thiếu niên nhi đồng cả nước là hàng chục triệu em, đồng thời các em cũng như bậc phụ huynh đã, đang và sẽ đứng trước rất nhiều lựa chọn giải trí khác trong bối cảnh xã hội hiện nay?
Được biết, tới đây, nhiều cơ quan đoàn thể cũng "xắn tay" vào việc vận động sáng tác để có thêm về số lượng, đầu tư để nâng cao chất lượng ca khúc cho thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu của thế hệ măng non mới. Từ thực tế công việc Tổng phụ trách Đội, anh Huỳnh Huệ Minh cho rằng "lứa tuổi thiếu nhi luôn thích khám phá cái mới, dễ tiếp cận với cái mới mẻ, lạ lẫm. Hiện nay, không thiếu những ca khúc hay dành cho các em nhưng vẫn luôn cần những ca khúc mới, mang hơi thở của thời đại để góp thêm, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các em". Nhưng như thế nào là "mới", là "mang hơi thở thời đại" trong ca khúc cho thiếu nhi, câu trả lời là không đơn giản. Hy vọng rằng, với sự tái lập Ban Âm nhạc thiếu nhi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam - như chia sẻ gần đây của đại diện Hội, sẽ góp thêm lực đẩy cho các nhạc sĩ chuyên và không chuyên trên cả nước trong quá trình đầu tư sáng tác ca khúc cho các em.