Từ Tết độc lập đầu tiên bên dòng sông “tuyến”
Năm nay đã 92 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên phân đội trưởng phân đội 1, Công an giới tuyến vẫn còn rất minh mẫn. Ông kể lại: Tháng 7/1954, hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17 nơi dòng sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ cũng trở thành “điểm nối” hai nửa non sông, chờ đến ngày Tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đó chỉ 2 năm.
Chỉ một tuần sau Hiệp định lịch sử, ông Hà nhận nhiệm vụ ra Vĩnh Linh bên bờ bắc để chuẩn bị thành lập lực lượng Công an giới tuyến theo quyết định của Liên khu ủy Liên khu IV bấy giờ. Đến giữa tháng 8/1954, đại đội hình thành với 100 cán bộ, chiến sĩ của các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, triển khai về 10 đồn dọc tuyến từ Cửa Tùng đến Bến Tây. Phía bờ nam, 9 đồn canh gác tương tự cũng được Cảnh sát Liên hiệp Pháp triển khai.
Lúc này, tâm trạng chung của mọi người đều rất háo hức chờ ngày Tổng tuyển cử, thống nhất non sông. Bà con đôi bờ vẫn qua lại, thông thương với nhau bình thường qua cầu Hiền Lương.
Đại tá Nguyễn Thanh Hà vẫn còn lưu giữ bức ảnh về những ngày lịch sử bên cây cầu Hiền Lương. (Ảnh: Thành Đạt) |
Dừng lại một lát, vị Đại tá ở tuổi thất thập cổ lai hy đưa cho chúng tôi xem một bức ảnh đã cũ nhòe chụp một cột cờ đang hiên ngang vươn mình bên triền sông lộng gió. Ông kể: Cuối tháng 8 năm 1954, nhằm chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh đầu tiên sau hòa bình, cấp trên yêu cầu phải có cột cờ để bà con qua lại hai miền “cùng nhìn thấy Tổ quốc”.
Cuối tháng 8 năm 1954, nhằm chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh đầu tiên sau hòa bình, cấp trên yêu cầu phải có cột cờ để bà con qua lại hai miền “cùng nhìn thấy Tổ quốc”.
Ngay lập tức, một tổ công tác đặc biệt đã được thành lập. Phân đội 1 của Đại tá Hà nhận trọng trách trong thời gian nhanh nhất, bằng mọi giá phải đưa quốc kỳ tung bay trong dịp 9 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/9/1945-2/9/1954).
“Tôi tổ chức một tổ gồm 10 anh em để lên rừng tìm cột. Sau nhiều lựa chọn, một thân gỗ phi lao cao 12m đã được đưa về. Một mặt, chúng tôi đào hố dựng cột. Mặt khác, một lá cờ đỏ sao vàng khổ 3,2x4,8m cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tâm trạng tất cả đều vô cùng háo hức vì đây chính là Tết Độc lập đầu tiên sau hòa bình tại miền bắc”, Đại tá Thanh Hà kể, giọng vẫn rưng rưng.
Ký ức về Lễ Quốc khánh 2/9/1954 vẫn còn vẹn nguyên trong Đại tá Nguyễn Thanh Hà. (Ảnh: Thành Đạt) |
Sau rất nhiều chờ đợi, đúng sáng 2/9/1954, lá quốc kỳ đỏ thắm đã hiên ngang tung bay, như biểu tượng của hy vọng đoàn viên và mối khắng khít thủy chung đôi miền nam bắc. Nắng vàng ươm, hơi gió từ sông Bến Hải lồng lộng tứ bề khiến những chiến sĩ công an giới tuyến như lặng đi trong giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc. Đại tá Thanh Hà bảo: Khoảng khắc ấy, tim ông nghẹn lại, người run lên.
Bến Hải sáng tháng 9 năm 1954 ấy cũng như có hội. Biết tin, người dân từ hai miền đổ xô ra đôi bờ để… xem giới tuyến và đón không khí Tết Độc lập đầu tiên. Ai ai cũng vui mừng.
“Cờ đỏ sao vàng trên bầu trời Vĩnh Linh là điểm mốc để đồng bào miền nam trông về, đồng thời cũng là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của toàn dân tộc. Bởi thế, chúng tôi ngày ấy luôn xác định: Ngày nào tim còn đập thì lá cờ sẽ còn bay”, ông Hà nói.
… đến Lễ Quốc khánh đặc biệt năm 1969
Cùng có mặt bên vĩ tuyến 17 cùng giai đoạn với Đại tá Hà, ông Nguyễn Đức Lãng cũng chứng kiến thêm một ngày Quốc khánh đặc biệt mà ông không bao giờ có thể lãng quên. Đón chúng tôi tại căn nhà nhỏ tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), ông Lãng rất hào hứng khi nhắc về những ngày lịch sử đã qua.
Năm nào cũng vậy, cứ tới gần ngày 2/9, cựu binh Nguyễn Đức Lãng (Quảng Trị) lại mang lá cờ Tổ quốc do chính tay ông may ra là lượt cho phẳng phiu, chuẩn bị treo trong dịp lễ lớn. (Ảnh: Thành Đạt) |
Sinh năm 1940 ở Cam Lộ, năm 15 tuổi cũng là lúc dòng sông Bến Hải quê ông trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt nước non. Chàng trai trẻ khi ấy đã quyết một lòng xin mẹ cha đi tòng quân theo kháng chiến. Sau 4 năm học tập tại miền bắc, ông được phân về Công an vũ trang Vĩnh Linh, công tác ở Ban hậu cần. Lúc đầu, nhiệm vụ chính của ông là đi nhận cờ Tổ quốc ở Quân khu 4 về cho đồng đội treo lên trên cột cờ Hiền Lương.
Về sau, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá cờ bằng việc huy động hàng trăm máy bay ném bom, hàng chục nghìn đạn pháo bắn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra và từ Hạm đội 7 ngoài biển hướng thẳng về phía kỳ đài bờ bắc. Để bảo đảm chủ động, ông Lãng xin cấp trên cho mình được… tự may cờ Tổ quốc.
Theo ông Trần Văn Minh - Phó Ban quản lý Cụm di tích Hiền Lương: Trong suốt những năm chia cắt hai miền, quốc kỳ Việt Nam chưa từng ngừng bay bên bờ sông Bến Hải. Tính từ năm 1956 đến năm 1967, chúng ta đã treo 267 lá cờ các cỡ. Dân và quân Vĩnh Linh trải qua hơn 300 trận chiến đấu lớn nhỏ để giữ kỳ đài Hiền Lương.
Một chiếc máy may cùng các vật dụng khác được cấp riêng cho nhiệm vụ đặc biệt. Vải được ông lấy từ Ty thương nghiệp Vĩnh Linh. Sau một tuần thức trắng đêm cắt, vẽ, xóa, cuối cùng ông Lãng đã may được lá cờ đầu tiên trong niềm vui sướng vô hạn của tất cả mọi người. Cũng từ đó, ông trở thành… người may cờ bên bờ Bến Hải cho tới tận ngày hòa bình được lập lại hơn 10 năm về sau.
Ông Lãng kể lại cho phóng viên về ký ức ngày Tết Độc lập năm 1969. (Ảnh: Thành Đạt) |
“Trung bình mất khoảng 2-5 ngày, tôi sẽ hoàn thành xong một lá quốc kỳ. Mỗi đường ráp phải máy đi máy lại đến 3-4 đường cho chắc chắn hòng chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là sức gió rất lớn ở Hiền Lương”, ông Lãng nhớ lại.
Trong suốt gần 20 năm may cờ Tổ quốc bên cầu Hiền Lương, kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Lãng chính là những ngày thu Độc lập năm 1969. Mắt đỏ hoe, tay run run cầm lá cờ trên tay, ông nhớ lại: Một đêm đầu tháng 9/1969, ông bất ngờ được Ban chỉ huy gọi lên. Người chiến sĩ trẻ vội vàng có mặt. Trong căn nhà nhỏ sát bờ bắc của thôn Hiền Lương, không khí dường như nặng trĩu. Ngồi chờ khoảng 2 tiếng, ông được chỉ huy ra và thông báo: Bác Hồ đã mất. Cấp trên giao nhiệm vụ ngay trong đêm nay phải may một dải khăn tang để đeo lên cờ Tổ quốc.
Cầu Hiền Lương hôm nay... (Ảnh: Thành Đạt) |
Ông Lãng như không tin vào tai mình, nước mắt cứ chảy ra không ngừng. Nén nỗi đau, chỉ vài tiếng sau khi trời rạng sáng, ông cặm cụi đạp xe qua Ty Thương nghiệp lấy 50m vải đen về. Chiếc máy may hoạt động hết công suất. Người thợ trẻ vừa máy vừa run lên từng chập. 12 trong số 50m vải đen được chia riêng ra để làm băng tang cho quốc kỳ.
53 năm đã qua đi, nhưng những ký ức năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong lòng người chiến sĩ may cờ Nguyễn Đức Lãng. Ông bảo: Lễ Quốc khánh trên đất Vĩnh Linh khi ấy đượm buồn. Vào thời khắc lá cờ rủ đeo tang được kéo lên, tất cả bà con hai bên bờ đều tràn ra Bến Hải nhìn lên và khóc. Thế nhưng, sự ra đi của Người lại trở thành động lực, niềm tin để tất cả những người ở lại cố gắng sống, chiến đấu và hiện thực hóa ước mơ thống nhất non sông của vị cha già kính yêu…