Ngày 14/7, Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh.
Dự hội nghị có đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Với quan điểm xuyên suốt "coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu"; "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển"; 10 năm qua, Tỉnh ủy Hải Dương đã nghiêm túc chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Tỉnh đã ban hành, hoàn thiện nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển giáo dục, trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen của tỉnh cho các cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. |
Bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả rất tích cực. Việc quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân về yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân.
Hệ thống giáo dục, đào tạo được xây dựng theo hướng giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, gắn với xây dựng xã hội học tập. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, từng bước theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chất lượng phổ cập giáo dục ngày càng được nâng cao. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông được duy trì, ổn định; Chất lượng giáo dục toàn diện và kết quả giáo dục mũi nhọn luôn ở vị trí top đầu trong cả nước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cơ sở vật chất nhiều nhà trường còn thiếu thốn, chưa đáp ứng theo yêu cầu, nhất là so với các quy định mới của Trung ương. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ tại địa phương.
Việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vai trò quản lý nhà nước, phối hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng trường lớp, dự báo tăng dân số gắn với sự phát triển giáo dục còn hạn chế. Hiệu quả, tỷ lệ phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn thấp. Việc hợp tác liên doanh, liên kết đào tạo quốc tế trong giáo dục phổ thông, nhất là đào tạo, dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp hiệu quả chưa cao.
Chất lượng giáo dục toàn diện ở một số nơi, trong đó có cơ sở giáo dục tư thục còn thấp. Đặc biệt là việc ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa có sức thu hút lớn.
Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận để làm rõ những nội dung, những việc đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu đã đề xuất, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, khó khăn còn tồn tại. Đồng thời gợi mở những vấn đề mới, thực tiễn đặt ra để đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương chủ trương, cơ chế, chính sách sát hợp với tình hình thực tiễn hiện nay nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 17 đề ra sự phát triển tỉnh nhà với quyết tâm và khát vọng cao. Quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”, coi giáo dục và đào tạo vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực và dư địa cho sự phát triển.
Đặc biệt tăng cường gắn kết hoạt động giáo dục và đào tạo với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động; gắn kết giữa giáo dục và đào tạo với lực lượng sản xuất; kết hợp hiệu quả nguồn lực Nhà nước với huy động nguồn lực xã hội để đầu tư trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để góp phần thực hiện được mục tiêu đó, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và ngành giáo dục đào tạo của tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, và định hướng phát triển giáo dục đào tạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17.
Đẩy mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương; Tăng cường rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục để có kế hoạch sắp xếp phù hợp và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục bảo đảm dân chủ, thống nhất, nghiêm minh; tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị tư tưởng; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong các trường học. Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức pháp luật, ý thức công dân cho học sinh, sinh viên, học viên.
Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ sở giáo dục; đổi mới công tác thông tin truyền thông; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen 11 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).