Hải Dương tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, tỉnh Hải Dương xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, tự động hóa, công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP Hải Dương được đưa lên nhiều trang thương mại điện tử.
Sản phẩm OCOP Hải Dương được đưa lên nhiều trang thương mại điện tử.

Đồng chí Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đánh giá: Từ năm 2016 đến nay nhờ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong lĩnh vực trồng trọt các địa phương trong tỉnh đã làm được 28ha nhà màng, nhà lưới, chủ yếu là trồng dưa lưới, dưa Kim, dưa lê Hàn Quốc, rau, hoa và các vườn ươm cây giống.

Việc sản xuất trong nhà màng, nhà lưới áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trồng cây trong bầu bằng các giá thể; sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa; cung cấp phân bón qua hệ thống tưới; sử dụng quạt thông gió để điều hòa nhiệt độ, sử dụng ánh sáng led.

Hiện nay, một số nhà màng đã ứng dụng công nghệ số, có hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa theo giờ và cảm biến nhiệt độ thông gió làm mát.

Mô hình nhà màng, nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, giảm công lao động, hạ giá thành, nâng cao giá trị sản xuất, một số mô hình sản xuất đạt khoảng 1 tỷ đến 3 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 10-30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau thông thường), lợi nhuận trung bình đạt 750 triệu đồng/ha/năm.

Ông Trần Văn Quang ở xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc cho biết:

Mô hình nhà màng có thể sản xuất được từ 3-4 vụ/năm, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Sản phẩm được tạo ra an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và đủ điều kiện để xuất khẩu.

Với diện tích 7.200m2 nhà màng, 1 năm trồng 3 vụ dưa lưới, dưa chuột, mỗi năm ông Quang thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Xã Phạm Trấn cũng là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhiều nhất tỉnh với khoảng 75.000m2 nhà màng.

Nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp ở Hải Dương như Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) và Nông nghiệp sạch Nam Vũ ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) đã ứng dụng công nghệ phổ ánh sáng dùng đèn led chuyên dụng để thu hút và diệt côn trùng gây hại cho cây trồng.

Ưu điểm của công nghệ này là thu hút được nhiều loại côn trùng, tiêu thụ ít điện năng, an toàn và hiệu quả; dễ dàng vận hành, làm sạch; đặc biệt là không sử dụng hóa chất, không gây hại cho cây trồng.

Từ chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn, truy xuất nguồn gốc nông sản, phục vụ xuất khẩu, tỉnh đã xây dựng và cấp 282 mã số vùng trồng vải, nhãn, chuối, thanh long, bưởi, ổi, dưa hấu xuất khẩu với tổng diện tích 1.686ha.

Các thông tin vùng sản xuất như: diện tích vùng trồng, nhật ký sản xuất, thời gian gieo trồng, các kỹ thuật áp dụng, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, diện tích, năng suất sản lượng các loại cây trồng, diện tích sản xuất an toàn, tọa độ vùng sản xuất… được quản lý trên phần mềm và được mã hóa thông qua mã QR; sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện… và được bán trên tất cả các kênh phân phối truyền thống và thương mại điện tử (App, Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Voso, Postmart, Alibaba…).

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Chăm đại diện Tổ hợp tác Nấm sạch Sao Mai ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách cho biết: Cuối năm 2022, tổ hợp tác nhận gần 50.000 thẻ nhãn hiệu và mã tem điện tử truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Việc sử dụng tem giúp tổ hợp tác được bảo vệ thương hiệu, chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm. Tổ hợp tác hiện có 18 nhà trồng nấm, mỗi nhà 60m2, sản lượng cao nhất có thể đạt 100kg nấm/ngày.

Với chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, Hải Dương hiện có khoảng 500ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, thông qua hệ thống điều khiển thông minh tưới nước theo giờ, nâng cao hiệu quả kinh tế 10-30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống.

Từ chính sách phát triển diện tích cấy lúa bằng máy, nhiều vùng sản xuất lúa bằng mạ khay, cấy máy đang được mở rộng, áp dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái và thí điểm lắp đặt 2 trạm Imetos (hệ thống cảm biến và phần mềm giám sát thông minh) tại huyện Thanh Hà và Thanh Miện để dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai và sinh vật gây hại trên cây trồng từ đó đưa ra các biện pháp quản lý dịch hại và chăm sóc cây trồng phù hợp cho cây trồng, đã giúp tăng diện tích áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa lên hơn 12%, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, giảm công lao động và mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Nhìn nhận về việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho rằng:

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Các cơ sở sản xuất mới chỉ ứng dụng một số giải pháp thông minh, số hóa, một số mô hình áp dụng cả giải pháp và thiết bị thông minh.

Một số mô hình còn đơn độc, chưa kết nối xuyên suốt chuỗi giá trị nông sản, mới chỉ là những điển hình về nông nghiệp công nghệ số, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc thực hiện cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật của tỉnh ở mức cao trong khu vực đồng bằng sông Hồng và miền bắc, nhưng còn thấp so nhiều nước trong khu vực. Lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản chưa phát triển.

Đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới tỉnh Hải Dương sẽ tập trung vào một số nội dung như: Số hóa cơ sở dữ liệu của ngành về quy hoạch, đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, môi trường; cây trồng, vật nuôi; năng lực sản xuất, sản phẩm chủ lực; tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương... tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu chung của tỉnh. Xây dựng hạ tầng, công nghệ cho chuyển đổi số.

Dựa trên nền tảng chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương sẽ tập trung vào các trọng tâm mang tính mục tiêu chiến lược: Tiêu chuẩn hóa sản phẩm-đổi mới phương thức tổ chức sản xuất-khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trước tiên là đổi mới tư duy từ “sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông thôn”, từ “Tìm kiếm thị trường”, sang “Nghiên cứu thị trường”.