Trong hai ngày 6 và 7/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa 17 tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025.
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ đánh giá, làm rõ những việc đã làm được, việc chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết từ thực tiễn.
Nhìn chung, nửa nhiệm kỳ đã qua, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 17, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Tỉnh đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Kinh tế phục hồi khá rõ nét, đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng bình quân 8,58%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Các đại biểu Trung ương, địa phương dự Hội nghị. |
Một số chỉ tiêu Đại hội có khả năng vượt mục tiêu đề ra vào cuối nhiệm kỳ. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại và tăng cường kết nối liên tỉnh. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; an sinh, xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác quốc phòng - quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có tiến bộ.
Tuy vậy, một số chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu, hiệu quả thấp. Việc thực hiện các công trình trọng điểm còn chậm.
Tăng trưởng kinh tế khá nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, hằng năm còn một số chỉ tiêu không đạt.
Việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất lúng túng, dẫn đến tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, các quy hoạch phân khu đô thị tại thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn chậm; nhiều địa phương chưa hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã.
Việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu; năm 2022 không xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở.
Huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là vào lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường... còn hạn chế. Hệ thống chợ nông thôn xuống cấp, chưa được cải tạo, nâng cấp kịp thời.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dù tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều dự án chưa được giải quyết dứt điểm, làm chậm tiến độ thực hiện, đầu tư…
Về nhiệm vụ trọng tâm từ nay tới hết nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Hải Dương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, gắn với triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình đề án của tỉnh nhằm cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Lãnh đạo thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển đến năm 2030 “năm trụ cột- ba nền tảng - một trung tâm - ba đô thị động lực - bốn trục phát triển” với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững.
Tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá, đồng thời, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra.
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá toàn diện những kết quả đạt được; đề xuất những giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhất là những hạn chế do nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Các đại biểu đã đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; giải pháp tăng thu ngân sách.
Đặc biệt nhiều ý kiến thảo luận mong muốn làm rõ vì sao tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng tốc độ phát triển chậm, tụt hậu so với các tỉnh trong vùng và chỉ ra những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển; chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp chưa được nâng cao.