Habeco thúc đẩy hoạt động thương mại tại Quảng Trị

Từ năm 2014 , Tổng Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã cho xây dựng Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị tại Khu Công nghiệp Quán Ngang (Gio Linh, Quảng Trị) với mong muốn đẩy mạnh hoạt động sản xuất, thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu bia Hà Nội tại thị trường miền trung.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Trị tại Khu Công nghiệp Quán Ngang (Gio Linh, Quảng Trị).
Toàn cảnh Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Trị tại Khu Công nghiệp Quán Ngang (Gio Linh, Quảng Trị).

Trong nhiều năm, sản phẩm bia Hà Nội đã được người dân địa phương đón nhận, tiêu thụ rộng rãi, không ngừng tăng số lượng. Song, trước những biến động phức tạp của thị trường, cùng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ, giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Bia Hà Nội tại thị trường này đã gặp không ít khó khăn.

Ngoài các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy bán hàng, Habeco cũng đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nhằm đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp Habeco từng bước lấy lại vị thế của một doanh nghiệp có thương hiệu bia thuần Việt duy nhất còn lại trước sự “tấn công” mạnh mẽ của các thương hiệu bia nước ngoài.

Gặp nhiều thách thức

Năm 2014, Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị được khánh thành với công suất 25 triệu lít/năm, có thể tăng công suất lên 35 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng với cơ cấu sản phẩm 90% là bia lon và 10% là bia hơi, được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ bia của người dân địa phương cũng như các tỉnh lân cận. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, đồng bộ, với các hệ thống thiết bị chính, quyết định đến chất lượng sản phẩm được nhập khẩu hoàn toàn từ các nước có nền công nghiệp sản xuất bia tiên tiến như: Đức, Thụy Sĩ và các nước EU.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, cũng như được đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại nên việc vận hành nhà máy luôn bảo đảm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tiếng ồn,... đến môi trường chung quanh

Theo báo cáo của Habeco, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng sự yêu mến thương hiệu Bia Hà Nội của người dân, nên sản lượng bia Hà Nội được tiêu thụ trong suốt nhiều năm đã ngày càng tăng. Năm 2015 sản lượng đạt 11 triệu lít, tăng lên 18,5 triệu lít vào năm 2017. Tính chung từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổng số thuế mà Nhà máy bia Hà Nội-Quảng Trị đã nộp vào ngân sách tỉnh Quảng Trị là hơn 934 tỷ đồng.

Riêng trong 8 tháng năm 2022, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia của nhà máy đạt 65,1% so với sản lượng kế hoạch năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu 102,96 tỷ đồng, tăng 13,16% so với cùng kỳ năm trước và đạt 61,1% so với kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 73,3 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm sẽ nộp thêm khoảng 140 tỷ đồng các loại thuế.

Habeco thúc đẩy hoạt động thương mại tại Quảng Trị ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham quan Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị.

Tuy nhiên hiện nay điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị đang gặp nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt trong một vài năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19, lượng tiêu thụ trên thị trường nhìn chung có sự sụt giảm, dẫn đến sản lượng sản xuất buộc phải cắt giảm, hoạt động cầm chừng trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, khiến cho giá thành sản xuất tăng.

Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu bia nước ngoài và các nhãn hiệu bia địa phương, sản lượng tiêu thụ bia Hà Nội tại Quảng Trị hiện nay rất hạn chế, tổng sản lượng tiêu thụ của Habeco chỉ chiếm 3,5% thị phần tại Quảng Trị; trong khi đó, vào giai đoạn 2016-2017 Habeco chiếm hơn 55% thị phần tại địa phương. Vì vậy, toàn bộ sản lượng sản xuất của Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị buộc phải điều phối vận chuyển đến các thị trường khác hoặc quay ngược trở về Hà Nội để tiêu thụ dẫn đến chi phí vận chuyển rất cao, giảm tính cạnh tranh so với các đối thủ. Đây là một trở ngại rất lớn của Habeco khi không thể nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ, nộp ngân sách nhà nước cho địa phương.

Giữ vững thương hiệu bia thuần Việt

Theo Phó Tổng Giám đốc Habeco Bùi Trường Thắng, để nâng cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt và người Quảng Trị ưu tiên dùng hàng hóa do doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất, Habeco đã đề xuất UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng liên quan của Quảng Trị có hướng tư vấn, giải pháp cụ thể, thiết thực để tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ưu tiên sản phẩm bia Hà Nội nhằm tăng thu ngân sách cho tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác của địa phương.

Habeco vẫn xác định Quảng Trị là một địa phương có tiềm năng để phát triển thị trường, do đó luôn tăng cường các chương trình khuyến mại, tập trung đầu tư, quảng bá hình ảnh về thương hiệu bia Hà Nội.

Habeco thúc đẩy hoạt động thương mại tại Quảng Trị ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị.

Đánh giá cao sự nỗ lực và đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương của Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị trong những năm qua cũng như việc Habeco đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tại Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc thị trường tiêu thụ sản phẩm bia Hà Nội có sự chững lại, khiến sản lượng sản xuất, doanh thu, nộp ngân sách, lao động có sự sụt giảm,... gây ảnh hưởng một phần đến việc thu ngân ngân sách của địa phương.

Habeco cần thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu thị trường, thị hiếu của người dân địa phương. Để ổn định và tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ trong thời gian tới, đề nghị Habeco nghiên cứu bổ sung các nhà phân phối, đại lý trên địa bàn tỉnh để có sự cạnh tranh; có chính sách hợp lý đối với cá nhà phân phối, đại lý để đưa sản phẩm đến các thị trường nông thôn, miền núi. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, chất lượng trên các phương tiện truyền thông.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Thường trực Hà Sỹ Đồng đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở Công thương tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, thị trường,... để đề xuất các giải pháp nâng cao việc tiêu thụ bia Hà Nội tại địa phương, từ đó giúp Habeco có thêm sự đóng góp cho tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.

Trong những năm vừa qua, bên cạnh công tác sản xuất kinh doanh, Habeco luôn quan tâm đến các hoạt động an sinh xã hội. Ngoài việc phụng dưỡng suốt đời một số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hằng năm Habeco đã tham gia các chương trình từ thiện tại trung tâm bảo trợ trẻ em, hội người mù… thì các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại địa phương cũng được quan tâm, thực hiện chu đáo, được chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao.

Song, để lấy lại thị phần, nâng cao giá trị thương hiệu bia Việt Nam duy nhất còn lại hiện nay, đã đến lúc Habeco cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với địa phương và các đơn vị, sở, ngành liên quan nhằm xây dựng phương án sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững, hiệu quả, trong đó phải tính toán các phương án marketing, mở rộng hệ thống đại lý tại các huyện, thị xã, thành phố; đa dạng thị trường tiêu thụ, tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, gia tăng các hoạt động hỗ trợ bán hàng để thúc đẩy việc tiêu thụ cũng như tiếp tục khẳng định thương hiệu Bia Hà Nội tại Quảng Trị.