Dưới góc độ đánh giá chung, mặc dù năm 2019 gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của Habeco vẫn khả quan, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng cao so năm 2018. Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu đạt 401,1 triệu lít, trong đó, tiêu thụ bia các loại đạt 398,5 triệu lít, tiêu thụ nước uống đóng chai đạt 2,58 triệu lít. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 7.562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 501,8 tỷ đồng, bằng 161,8% so kế hoạch.
Habeco cũng đã cho ra mắt thành công nhận diện thương hiệu mới theo hướng hiện đại, phù hợp nhu cầu xã hội và phong cách của người tiêu dùng, đặc biệt, Habeco nhận định chính xác nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, kịp thời thay đổi chiến lược bán hàng. Đây được đánh giá là bước đi thành công, giúp tạo thêm động lực để ban lãnh đạo Habeco chuẩn bị ứng phó với tình hình sản xuất, kinh doanh của năm 2020.
Bước sang năm 2020, ngay từ đầu năm, ngành Bia-Rượu-Nước giải khát nói chung và Habeco nói riêng đã phải chịu tác động kép bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và dịch Covid-19 bùng phát ở những thành phố lớn của Việt Nam. Theo đó, nhiều nhà hàng, khu du lịch đã phải tạm ngừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia giảm mạnh. Đây là một biến động lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Habeco đạt 15,8 tỷ, bằng 7% so cùng kỳ, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách đều suy giảm, chỉ đạt từ 44 - 50% so với cùng kỳ. Nhiều đơn vị sản xuất của Habeco đã phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương, dòng tiền bị ảnh hưởng lớn, tình hình tài chính mất cân đối.
Để duy trì hoạt động, Habeco và các công ty con vẫn phải duy trì lực lượng lao động nòng cốt, thanh toán các khoản phải trả thuế, phải trả nhà cung cấp, trả lương cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng,... Đây là áp lực lớn đối với Habeco và các công ty con do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra do ngành bia không thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19
Trước bối cảnh khó khăn chung từ thị trường, ban lãnh đạo Habeco đã đặt mục tiêu tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu khoảng 225 triệu lít, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 4.223,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu Habeco không có những chiến lược dài hạn, bảo đảm tốt công tác sản xuất kinh doanh cũng như giữ vững thị phần trong ngành thì mục tiêu đặt ra trong năm nay của Habeco sẽ khó đạt được.
Nhận thức được vấn đề này, Habeco đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc chiếm giữ, phát triển thị phần. Habeco chưa bao giờ thay đổi mạnh mẽ như trong hai năm nay, về cả hình ảnh, về chính sách, hệ thống bán hàng, sản phẩm, quản trị… Tất cả những thay đổi đó là nỗ lực của Habeco trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, đối với công tác thị trường, bán hàng, Habeco đã tiến hành cơ cấu lại các công ty thương mại theo hướng hình thành thêm các công ty thương mại khu vực để tăng cường sức cạnh tranh, ban đầu đã đem lại hiệu quả. Theo đó, sau khi được giao thị trường Thanh Hóa, Công ty Bia Hà Nội Thanh Hóa đã đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Habeco cũng tiến hành tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức nhân sự, khách hàng. Tiếp tục đầu tư lực lượng bán hàng, cải tiến công nghệ quản lý mới. Đồng thời, cho ra mắt nhiều sản phẩm mới như Bia Hanoi Bold và Hanoi Light; bia hơi Hà Nội 500ml (đóng lon) và bia hơi Hà Nội 1 lít (đóng chai PET) nhằm thích ứng với những biến động về chính sách cũng như dịch bệnh, bảo đảm tốt mục tiêu sản xuất, lợi nhuận kinh doanh cũng như lương, thưởng cho CBCNV của Habeco
Chủ tịch HĐQT Habeco Trần Đình Thanh cho biết, hiện các thương hiệu bia trong, ngoài nước và cả các thương hiệu bia địa phương đang cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường. Vì vậy, trong sáu tháng cuối năm, Habeco sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thị trường ba sản phẩm mới, sản xuất một số bia Craft mới và nghiên cứu một số sản phẩm nước giải khát mới nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng khách hàng khác nhau.
Habeco cũng sẽ tiếp tục tìm đối tác thoái vốn tại một số công ty thành viên. Theo đó, nếu giải quyết được bài toán nhằm bảo toàn và thu hồi vốn đầu tư tại các doanh nghiệp này sẽ là tiền đề để một mặt, Habeco có thêm nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, mặt khác là giúp cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Habeco sẽ giao thêm khu vực thị trường miền trung cho Công ty TNHH MTV Thương mại bia Hà Nội Thanh Hóa với mục tiêu củng cố thị trường và lấy lại thị phần. Đối với thị trường miền Nam, Habeco sẽ hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng đủ nhân sự, tìm kiếm đủ nhà phân phối, sẵn sàng khai thác thị trường ngay trong năm nay.