Hà Tĩnh tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

NDO - Tại hội thảo “Chuyển đổi số-Thực trạng và giải pháp” được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 14/9, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn đã được các chuyên gia về công nghệ tư vấn giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý và tạo ra nhiều giá trị mới.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi thực hiện chuyển đổi số, thương hiệu bưởi Phúc Trạch (Hương Khê) đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Sau khi thực hiện chuyển đổi số, thương hiệu bưởi Phúc Trạch (Hương Khê) đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia và các địa phương rất quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Về phía Hà Tĩnh, tỉnh đã có các văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 202-2025; kế hoạch chuyển đổi số hằng năm...

Năm 2022, Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực cải thiện chỉ số DTI (chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh). Theo đó, Hà Tĩnh xếp thứ 37/63 tỉnh thành phố trên cả nước (tăng 22 bậc so với năm 2021); xếp thứ 28 cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); thứ 7 cả nước về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS). Đặc biệt, Hà Tĩnh đứng thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ cấp thẻ căn cước công dân và tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Hà Tĩnh đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số.

Mặc dù tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách và bố trí nguồn phục phục vụ quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành đã được xây dựng, nhưng quy mô nhỏ lẻ, quản lý độc lập phân tán, ít chia sẻ dùng chung, hiệu quả khai thác ứng dụng còn hạn chế.

Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh chưa cao. Một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm công tác chuyển đổi số…

Hà Tĩnh mong muốn nhận được những giải pháp hữu ích, cách tiếp cận để các sở, ngành, huyện, thị, thành đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ, phần việc nhằm nâng cao bộ chỉ số DTI cấp tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu

Tại hội thảo, các tham luận đến từ các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các doanh nghiệp chuyên về nền tảng số, công nghệ số đã đánh giá thực trạng trong việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn Hà Tĩnh; bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số; các vấn đề về nguồn lực triển khai và một số khó khăn, thách thức cần vượt qua; trao đổi, giới thiệu những mô hình thành công và những hình thức mới nhằm huy động nguồn lực để triển khai chuyển đổi số toàn dân và toàn diện trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Qua đó, tạo ra không gian trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm thực tế các giải pháp, nền tảng công nghệ số phục vụ trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, đơn vị, doanh nghiệp Hà Tĩnh đã được các chuyên gia về công nghệ tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn phương pháp, lộ trình cũng như giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hóa sản xuất, mở rộng thị trường và tạo ra nhiều giá trị mới.