Tỉnh phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.
Tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông qua địa bàn tỉnh gồm có 4 dự án thành phần, thực hiện qua 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025. Ngoài Dự án thành phần Diễn Châu-Bãi Vọt đã hoàn thành việc bàn giao mặt bằng và khởi công từ tháng 5/2021, 3 dự án thành phần giai đoạn 2021-2025.
Các dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài khoảng 102,5 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.230 tỷ đồng; đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã (Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh). Tuyến cao tốc chạy qua địa bàn Hà Tĩnh sẽ chiếm dụng khoảng 900 ha đất, và phải di dời nơi ở của 600 hộ dân, 950 ngôi mộ; địa phương dự kiến sẽ xây dựng 21 khu tái định cư phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến…, tổng số tiền phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn ước gần 4.000 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa cho huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã cung cấp cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) thêm 8 khu vực mỏ cát trên địa bàn 3 huyện (Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê).
Trong số 8 mỏ cát thì 6 mỏ ở các xã: Sơn Trung, Sơn Tây, Quang Diệm (Hương Sơn), Quang Thọ, Hương Minh (Vũ Quang) và Phúc Đồng (Hương Khê) đã được cấp giấy phép khai thác. 2 mỏ còn lại ở các xã: Đức Liên (Vũ Quang), Điền Mỹ (Hương Khê) đang trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung khảo sát, xác định chất lượng và các điều kiện liên quan đối với các mỏ cát nêu trên để đáp ứng nguồn vật liệu cát xây dựng phục vụ dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, xác định, các đề xuất, kiến nghị của Ban Quản lý dự án Thăng Long, trường hợp chưa đáp ứng đủ khối lượng, tiến độ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh cấp phép các mỏ cát bảo đảm các điều kiện liên quan hoặc nâng công suất các mỏ đã cấp trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường cao tốc đoạn qua Hà Tĩnh là 16,9 triệu m3 đất đắp nền đường và khoảng 1,3 triệu m3 đá. Qua rà soát tại các địa bàn nằm gần tuyến đường cao tốc, hiện UBND tỉnh đã cấp phép 34 mỏ đá xây dựng, tổng công suất khai thác gần 5,8 triệu m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép 86 triệu m3; 20 mỏ đất san lấp, tổng công suất khai thác 2,3 triệu m3/năm, tổng trữ lượng khai thác gần 25 triệu m3 và 4 mỏ cát xây dựng, tổng công suất khai thác 61 nghìn m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép 783 nghìn m3/năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Bãi Vọt-Kỳ Anh, để đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Dự án, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng, Dự thảo xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Dự thảo xây dựng Quy chế phối hợp và Kế hoạch giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng để UBND, Hội đồng Giải phóng mặt bằng cấp huyện triển khai theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-CP.
Xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, cấp bách; phải khẩn trương huy động hệ thống, bộ máy sẵn có để tập trung cao độ hoàn thành các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao bảo đảm yêu cầu về tiến độ và tuân thủ các quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế tối đa các sai sót trong quá trình thực hiện, tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch (đất, chương trình, dự án…) trong phạm vi hướng tuyến, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; không để các tổ chức, cá nhân xây dựng, cơi nới các công trình trong phạm vi hướng tuyến Dự án, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các công tác phục vụ cho việc tái định cư, di dời nghĩa trang, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật khác…