Hà Tĩnh dồn sức hoàn thành tiêu chí tỉnh nông thôn mới

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần đổi mới, linh hoạt, thực hiện các tiêu chí một cách có trọng tâm, trọng điểm, Hà Tĩnh đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân gặp gỡ một hộ dân đã hiến đất, mở rộng đường giao thông.
Cán bộ xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân gặp gỡ một hộ dân đã hiến đất, mở rộng đường giao thông.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ngô Đình Long cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 33,1%), 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 8,3%) và 1.181/1.626 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 72,6%). Toàn tỉnh có 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt hơn 69% so với yêu cầu)...

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, những kết quả đáng mừng này có được là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc chủ động, tích cực, không ngừng thay đổi tư duy, cách làm của người dân với tinh thần xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Việt chia sẻ: Xác định nâng cao thu nhập cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp đưa chương trình nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, hình thành những mô hình hợp tác liên doanh, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đến nay các địa phương ở Hà Tĩnh đã phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đạt gần 10.700 ha. Nhờ đẩy mạnh tích tụ, chuyển đổi ruộng đất, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo sức lan tỏa cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương, thí dụ như: Xây dựng mô hình chuyển đổi số trên sản phẩm rau, củ quả trong nhà lưới tại xã Bình An, huyện Lộc Hà (đã gắn mã QR tại vườn hộ, lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhập thông tin); 5 mô hình, dự án phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị tại thành phố Hà Tĩnh; mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Phạm Thanh Sơn, xã Cương Gián, quy mô nhà xưởng 300m2, 600 hộp nhựa (1.200 con/lứa), doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng/năm, mô hình nuôi “chung cư” ong của anh Nguyễn Phi Long, xã Cương Gián, quy mô 350 đàn, lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm, mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Xuân Hội, Xuân Lĩnh ...

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương đã kịp thời ban hành, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp góp phần khôi phục, phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản truyền thống; du nhập, nhân cấy, tạo thêm những sản phẩm mới và nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của địa phương.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau khi tham gia chương trình, doanh số bán hàng của các sản phẩm đều tăng, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia chương trình, cá biệt có những sản phẩm doanh thu tăng nhiều lần như: Nước mắm Luận Nghiệp, mật ong Cường Nga, Rượu nhung hươu Hiền Ngọc, nem chua Ý Bình, nước mắm Phú Khương,... Theo tính toán, các cơ sở OCOP đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động trực tiếp với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động gián tiếp tại các địa phương.

Theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương cũng đang đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc. Công tác lãnh đạo chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt. Một số xã, huyện sau khi được công nhận đạt chuẩn có biểu hiện chùng xuống, nhất là những huyện chưa phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt kết quả thấp.

Yêu cầu của một số nội dung, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025 ở mức cao hơn, cho nên trong quá trình thực hiện một số địa phương gặp khó khăn, cần thời gian và nguồn lực, trong khi đó, nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương bị cắt giảm, nguồn ngân sách địa phương eo hẹp; theo quy định mới, cấp huyện, xã không được ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, vì vậy chưa tạo được động lực khuyến khích cộng đồng dân cư thực hiện và thu hút các nguồn lực xã hội hóa... đầu tư, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, bộ máy vận hành, ban chỉ đạo cấp huyện, xã chưa được kiện toàn; nhân lực còn thiếu, nhất là cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới...

Trên cơ sở nhận diện được những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch, tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, nâng cao chỉ số hạnh phúc và sự hài lòng của người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để hiện thực hóa quyết tâm phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới trong năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh sẽ rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, bám sát Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” để có phương thức chỉ đạo, lãnh đạo phù hợp. “Địa phương sẽ ưu tiên và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) để bố trí cho xây dựng nông thôn mới, gắn với đó là việc lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết thêm.