Hạ tầng đi trước mở đường phát triển

Từ việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống giao thông và đầu tư các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã có cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, vừa tạo ra môi trường thuận lợi thu hút đầu tư hiệu quả, vừa góp phần tạo kết nối giao thông vùng thông suốt và tạo đòn bẩy giúp các địa phương cùng phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng kết nối các khu công nghiệp tại Bình Dương đến các cảng Cái Mép, Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành...
Đường Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng kết nối các khu công nghiệp tại Bình Dương đến các cảng Cái Mép, Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành...

Sau khi được tái lập vào năm 1997, lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ đã đề ra những giải pháp đột phá nhằm thu hút đầu tư, tạo ra nguồn lực để phát triển.

Giao thông đi trước mở đường

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông được Bình Dương thực hiện rất sớm, từ năm 1997, thông qua việc đầu tư theo hình thức BOT, tỉnh đã giao Tổng công ty Becamex IDC đầu tư mở rộng nâng cấp quốc lộ 13. Công trình có chiều dài 62km với 6 làn xe nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước, kết nối vào quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện nay) đã tạo động lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển.

Từ thành công của quốc lộ 13, các tuyến đường khác tiếp tục hình thành tại Bình Dương thông qua nguồn lực xã hội như dự án nâng cấp đường ÐT743B đoạn Miếu Ông Cù - Ðông Tân; dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT741 kết nối đến tỉnh Bình Phước; dự án nâng cấp, mở rộng cầu Phú Cường và đường Huỳnh Văn Cù kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh... đã góp phần đánh thức các vùng đất thuần nông như Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên có điều kiện phát triển mạnh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tạo lực thúc đẩy kinh tế công nghiệp bứt phá.

Tiếp nối quốc lộ 13, năm 2021, đường Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng đã thông xe toàn tuyến với tổng chiều dài 64km từ quốc lộ 1A đến Khu công nghiệp Bàu Bàng, giáp đường Hồ Chí Minh ở thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đi qua địa bàn của tỉnh gồm thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, đường Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng được tỉnh Bình Dương giao Becamex IDC đầu tư được xem như “con đường tơ lụa” tạo lực nhằm thúc đẩy kinh tế của tỉnh Bình Dương và cả vùng cùng phát triển.

Tuyến đường này kết nối và đi ngang qua tất cả 29 khu công nghiệp của tỉnh, giúp kết nối vận chuyển hàng hóa đến cảng Cát Lái, Cái Mép, cảng container, sân bay quốc tế Long Thành... nhanh chóng và thuận lợi nên có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Bình Dương.

Giao thông thuận lợi đã giúp địa phương phát triển nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng nhanh và ổn định trong những năm qua.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu

Phát huy tính chủ động trong đầu tư giao thông kết nối với các địa phương lân cận, tỉnh Bình Dương đang làm cầu kết nối qua Tây Ninh và xây dựng cầu Bạch Đằng 2 kết nối với Ðồng Nai. Với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã làm cầu Phú Long, nối Quận 12 với thành phố Thuận An, còn Bình Dương làm cầu Phú Cường nối thành phố Thủ Dầu Một với huyện Củ Chi.

Hai cầu này trong nhiều năm qua vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hai địa phương, vừa góp phần kết nối vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, những tuyến đường như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành được Trung ương quy hoạch, tỉnh đã chủ động làm trước nhiều đoạn đi qua địa bàn và đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm khởi công trong năm tới.

Tác động từ hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của địa phương là rất quan trọng, đơn cử như huyện Bàu Bàng nằm cuối tỉnh Bình Dương và giáp thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, nhờ quốc lộ 13 và đường Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng đã giúp địa phương chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp-dịch vụ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu cho biết: Giao thông thuận lợi đã giúp huyện thu hút 1.388 dự án, trong đó có 1.156 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 32.136 tỷ đồng và 232 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 4,8 tỷ USD. Qua đó giúp địa phương phát triển nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng nhanh và ổn định trong những năm qua.

Khu công nghiệp làm động lực phát triển

Khi tái lập năm 1997, để giải quyết bài toán khó khăn ban đầu cho nguồn vốn đầu tư còn eo hẹp, tỉnh Bình Dương đã huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Nhờ vậy, năm 1997 toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp với diện tích 1.500ha thì đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 91,07%.

Các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương hiện thu hút 3.032 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.353 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 28,1 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 88.210 tỷ đồng. Hiện đã có 2.546 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 2.053 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 493 doanh nghiệp đầu tư trong nước.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, các khu công nghiệp tại tỉnh hiện thu hút 3.032 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.353 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 28,1 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 88.210 tỷ đồng. Hiện đã có 2.546 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 2.053 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 493 doanh nghiệp đầu tư trong nước.

Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ước tính năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt gần 39,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 23,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 20,7 tỷ USD. Hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nộp thuế và các khoản nộp ngân sách 564 triệu USD, giải quyết việc làm cho 503.710 lao động với thu nhập bình quân của lao động trực tiếp sản xuất đạt 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp-đô thị-dịch vụ hiện nay sang mô hình phát triển công nghiệp-đô thị-dịch vụ theo hướng thông minh-bền vững, bên cạnh các khu công nghiệp xanh, thông minh được xây dựng, tỉnh sẽ nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhằm gia tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ quốc tế gắn liền với khoa học và công nghệ, thu hút các viện-trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.