Hà Nội xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong lễ hội

Mùa lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 là năm đầu tiên Hà Nội cùng cả nước thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Do đó, thành phố Hà Nội nỗ lực để có được một mùa lễ hội an toàn, văn minh.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.
Đại diện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Chiều 23/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội lớn trên địa bàn Thành phố năm 2024.

Theo đại diện Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, dự kiến có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024. Trong đó, phần lớn các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, ngay sau Tết Nguyên đán.

Thành phố có nhiều lễ hội lớn, mang tính chất vùng miền như: Lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Cổ Loa, (huyện Đông Anh)…

Lễ hội là sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức cũng thường xảy ra tình trạng tranh giành lộc, rải tiền lẻ, đốt vàng mã bừa bãi… hay những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ...

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch từ cuối năm 2023, trong đó yêu cầu việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch; thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống...

Tại Hội nghị, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã đề nghị các địa phương có lễ hội lớn như: quận Đống Đa, huyện Mê Linh, huyện Sóc Sơn… thông báo về quá trình chuẩn bị cho đến thời điểm hiện tại.

Nhìn chung, các quận, huyện đều đã xây dựng kế hoạch chi tiết, rà soát các phương án tổ chức, công tác chuẩn bị nghi lễ, bố trí công tác hậu cần, phục vụ du khách…, nhất là các lễ hội lớn. Đến nay, cơ bản các hoạt động chuẩn bị đã sẵn sàng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, mùa lễ hội xuân Giáp Thìn là năm đầu tiên Thành phố triển khai thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Do đó, các địa phương cần nỗ lực quán triệt, triển khai nghiêm túc.

Đồng chí Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương chủ động công tác thông tin để tuyên truyền cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của các tập tục trong lễ hội cộng đồng hiểu đúng về giá trị lễ hội; đề nghị chính quyền các địa phương nâng cao trách nhiệm trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… để Hà Nội có một mùa lễ hội văn minh, an toàn.

Trong dịp này, đại diện các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã tiến hành ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.