Hà Nội với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh

(Tiếp theo và hết) (★)
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ quản lý đô thị tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam-châu Á 2023 tổ chức tại Hà Nội ngày 29 và 30/11.
Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ quản lý đô thị tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam-châu Á 2023 tổ chức tại Hà Nội ngày 29 và 30/11.

Bài 2: Vai trò đi đầu và dẫn dắt

Chuyển đổi số, tiến tới xây dựng mô hình thành phố thông minh là nhiệm vụ khó, đòi hỏi nhiều nguồn lực từ cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực... Với quyết tâm cao và mục tiêu rõ ràng, thành phố Hà Nội phấn đấu đi đầu và dẫn dắt các địa phương khác trong xây dựng thành phố thông minh.

Dù tiến trình chuyển đổi số của Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, nhưng thành phố còn nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trình độ nhân lực... Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen, cách thức vận hành từ cũ sang mới, từ thủ công sang tự động... cũng đòi hỏi thời gian để thích nghi.

Nhận thức và sự quyết tâm tại một số cơ sở về chuyển đổi số còn chưa quyết liệt. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải nêu rõ, hiện nay còn một số hạn chế về dữ liệu và khó khăn trong rà soát số hóa dữ liệu của các cấp, ngành từ địa phương đến Trung ương. Vẫn còn tình trạng cát cứ dữ liệu; chưa sử dụng được dữ liệu của nhau; việc tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, độ chính xác chưa bảo đảm...

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Cù Ngọc Trang

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa cao so với nhu cầu, do quy trình thủ tục hành chính còn rườm rà. Dịch vụ hành chính công vẫn còn thực hiện trực tiếp và một cửa theo sở, ngành, theo địa bàn quận, huyện, phường, xã; chưa phải là một cửa bất kỳ-nghĩa là người dân có thể sử dụng dịch vụ công bất kỳ ở nơi đâu mà không cần phải ra trụ sở hành chính.

Ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội cũng giống nhiều địa phương, chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho đô thị thông minh. Các nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển đô thị thông minh còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện do hạn chế về nguồn lực, dữ liệu; chưa có hình thức liên kết, kết nối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, cũng như các chính sách cụ thể, hỗ trợ, khuyến khích phát triển đô thị thông minh. Thành phố cũng cần bổ sung lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh...

Trước những hạn chế này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đã đóng góp các giải pháp giúp thành phố. Ông Vũ Việt Hưng, chuyên gia tư vấn, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho rằng, về mục tiêu chuyển đổi số quận, huyện, xây dựng chính quyền số, Hà Nội cần nâng cao công tác quản lý, điều hành của chính quyền, tăng tính tương tác của chính quyền và người dân.

Về kinh tế số, thành phố cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển kinh tế địa phương, quảng bá sản phẩm dịch vụ. Về xã hội số, Hà Nội cần bảo đảm hạ tầng viễn thông, trang thiết bị công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cho người dân, cán bộ, công chức, nâng cao đời sống, an sinh xã hội của người dân.

Ðại diện Viettel cũng gợi ý, các đơn vị có thể sử dụng trợ lý ảo trợ giúp người dân tra cứu, thực hiện điền thông tin, thông báo kết quả xử lý nhằm giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về dịch vụ công hay thủ tục phức tạp, mất thời gian, thông tin cá nhân phải khai báo nhiều lần, trùng lặp. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các ứng dụng di động để gửi yêu cầu, đăng ký trực tuyến, trang web chính thức của cơ quan chức năng giúp người dân tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm.

Tháng 9/2023, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch gồm 55 chỉ tiêu, 201 nhiệm vụ được phân theo nhóm các trụ cột: Chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh; kinh tế số, xã hội số...

Thành phố cũng xác định, để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nhân lực số; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, để Hà Nội chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đạt hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình đề xuất, Hà Nội cần phải có vai trò dẫn dắt các thành phố khác và cả nước trong tăng trưởng xanh, công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Ðể làm được điều này, thành phố cần có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để thực hiện các nhiệm vụ; đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực mới.

Ðây là điều kiện thiết yếu để gia nhập công nghệ bán dẫn, tạo ra cơ hội để cho các công ty công nghệ thông tin có nhiều cơ hội để phát triển. Vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số là dữ liệu, vì vậy cần làm cho dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống để phục vụ đời sống, cơ quan, doanh nghiệp, người dân hiệu quả nhất, nhanh nhất, chính xác nhất, minh bạch nhất. Từ đó, chuyển đổi số giúp cuộc sống của người dân Hà Nội tốt đẹp hơn.

(★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8/12/2023.