Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ bùng dịch Covid-19

NDO -

Hà Nội vừa phát hiện thêm 7 ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 1 ca liên quan tới cơ sở y tế. Nguy cơ bùng dịch có thể xảy ra nếu người dân có tâm lý chủ quan, không tuân thủ 5K trong phòng dịch. 

Quận Hoàn Kiếm triển khai test nhanh sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm trên địa bàn.
Quận Hoàn Kiếm triển khai test nhanh sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm trên địa bàn.

Ngày 30/9, Hà Nội phát hiện 1 ca nhiễm cộng đồng tại Bệnh viện Việt Đức là người nhà đi chăm bệnh nhân tại khoa Ung bướu, tầng 8 nhà D. Chiều cùng ngày, Hà Nội lại phát hiện thêm 1 trường hợp mới tại phố Phủ Doãn là người bán và giao cơm tại khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, hiện trung tâm đã lấy 1.443 mẫu người nhà, nhân viên tòa nhà D, xét nghiệm, đã có 1.433 mẫu có kết quả âm tính.

Đến nay, 3 tỉnh đã xác định các ca dương tính liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức gồm: Hà Tĩnh (1 người đưa bố đến khám tại tầng 8 nhà D), Nam Định (3 ca, liên quan người nhà đi chăm sóc bố tại tầng 7 nhà D), Hưng Yên (1 ca là bệnh nhân nằm điều trị tại tầng 8 nhà D đã ra viện).

Sáng nay, tại quận Nam Từ Liêm phát hiện 3 ca F0 ngoài cộng đồng. Cả 3 ca này đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 và có lịch sử dịch tễ di chuyển phức tạp, liên quan đến nhiều địa điểm như ngân hàng Agribank, siêu thị K-mart.

Quận Nam Từ Liêm đang tiếp tục điều tra, xác minh, truy vết các trường hợp liên quan tại khu vực ổ dịch, đồng thời tổ chức phun khử khuẩn nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa thể đánh giá được chính xác mức độ lây lan của SARS-CoV-2 từ những ca nhiễm cộng đồng này. Thành phố cần đợi kết quả xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực liên quan. 

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, các khu vực, đối tượng vừa xác định ca nhiễm trong cộng đồng đều là nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nơi làm việc hoặc liên quan đến công việc giao hàng. Các đối tượng trên đều có sự giao lưu, lịch trình đi lại phức tạp, mang đến nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khá cao. 

Do dịch bệnh vẫn lưu hành trong cộng đồng, việc xuất hiện thêm các ổ dịch nhỏ là điều hoàn toàn xảy ra, trong đó có nhiều trường hợp mang virus nhưng không có triệu chứng.

Do đó, trong tình huống này, ông Phu cho rằng, thành phố Hà Nội cần phải điều tra dịch tễ để đưa ra đánh giá cụ thể về ca lây nhiễm tại Bệnh viện Việt Đức. Trường hợp này đã có test nhanh âm tính được đồng ý vào chăm người nhà. Tuy nhiên, đối với trường hợp này chưa thể xác định được nhiễm từ Hà Tĩnh trước khi ra Hà Nội (thời điểm xét nghiệm ở giai đoạn cuối của bệnh) hay là bệnh nhân lây nhiễm mới.

Trong suốt thời gian 10 ngày tại bệnh viện, trường hợp này cũng không có triệu chứng. Do vậy chúng ta phải chấp nhận những người không có triệu chứng trong cộng đồng vẫn còn và lây lan cho người khác.

Tuy nhiên, việc một bệnh viện ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ khá phức tạp bởi đây là nơi tập trung điều trị cho nhiều ca bệnh nặng, nhiều người dân từ nhiều địa phương tới khám và điều trị tại bệnh viện, có sự tiếp xúc giữa các tỉnh, thành phố khác nhau. Nếu bệnh nhân đang điều trị nhiễm thêm Covid-19 sẽ đối mặt với nguy cơ bệnh tăng nặng. 

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng nhất ở thời điểm này là nhanh chóng phong tỏa được ổ dịch, cố gắng kiểm soát ổ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, qua đó mới có thể khống chế tình hình.

PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, nguy cơ lây nhiễm trong cơ sở y tế hoàn toàn có vì biến chủng Delta rất nguy hiểm. Tuy nhiên, thời điểm này khi xác định sống thích ứng với tình hình dịch bệnh, chúng ta sẽ cần phải hiểu rõ ca dương tính mới có triệu chứng hay không, trước đó đã được tiêm vaccine hay chưa. Có nghĩa là chúng ta sẽ chỉ quan tâm tới ca phải nhập viện và giám sát quản lý ca không triệu chứng để tránh lây lan thêm.

Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay, tình hình dịch vẫn phức tạp, chưa an toàn, chỉ là trong trạng thái mới. Do vậy, không có nghĩa là người dân lơ là phòng chống dịch, bỏ khẩu trang, tụ tập đông người. Người dân khi vào cơ sở y tế bắt buộc phải đeo khẩu trang 24/24.

Đối với các bệnh viện, để tránh việc phải phong tỏa đóng cửa nên hạn chế cho người nhà vào chăm sóc bệnh nhân. Thay vào đó nên thuê dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện. Các bệnh viện phải sàng lọc thật kỹ yếu tố dịch tễ với người ra vào bệnh viện để phát hiện sớm ca bệnh. 

Nhận định về tình hình dịch tại Hà Nội, PGS Huy Nga cũng cho rằng, dịch tại Hà Nội rất khó có thể bùng phát như tại TP Hồ Chí Minh vì tỷ lệ tiêm của thành phố tương đối cao. Việc có thêm các ca bệnh cộng đồng là điều đã được dự báo trước khi mở nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư từ ngày 27/4 đến nay là 3.980 ca. Trong đó, có 1.608 ca ngoài cộng đồngvà 2.372 ca đã được cách ly.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã từng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 15-30/9/2021 cần liên hệ với trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện đến đường dây nóng phòng, chống dịch để được tư vấn hỗ trợ về phòng chống dịch Covid-19: 0969082115; 0949396115.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan