Hà Nội phấn đấu đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45.000 USD/năm

NDO - Ngày 27/3, tại Hội nghị chuyên đề của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn đã báo cáo về nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Thành ủy Hà Nội ngày 27/3.
Hội nghị Thành ủy Hà Nội ngày 27/3.

Mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.

Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh-thông minh-thanh bình-thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 từ 13 triệu đến 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt từ 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85% vào năm 2050.

Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa-lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị..

Về giao thông, phát triển đô thị, nông thôn, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của Thủ đô và khu vực nội đô.

Thành phố sẽ tập trung cải tạo các khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, các khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến; khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Quy hoạch cũng đặt ra các khâu đột phá phát triển về: đột phá về thể chế và quản trị, đột phá về hạ tầng; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan…

Bên cạnh đó, Hà Nội cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các cơ quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc tiếp theo như: trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới, trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quy hoạch; đặc biệt là cần tập trung chuẩn bị nội dung để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị dự kiến vào ngày 3/5/2024.

Bí thư Thành ủy cho biết, sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các Chương trình, Kế hoạch cụ thể triển khai theo từng phân kỳ giai đoạn 5 năm và hằng năm. Thành phố cụ thể hóa bằng những đề án, dự án, chuyên đề cụ thể và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên gắn với việc cân đối, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực nhằm đưa Quy hoạch Thủ đô vào cuộc sống.