Ðồng bộ, hiện đại hơn
Chúng tôi có mặt tại dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào ngày cuối tháng 3-2020. Không khí làm việc trên công trường rất khẩn trương để phấn đấu hoàn thành công trình vào dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (ngày 10-10-2020), sớm hơn khoảng ba tháng so với kế hoạch đề ra. Dự án khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào trung tâm thành phố qua đường Cổ Linh và ngược lại, khắc phục những bất cập, gây nên ùn tắc giao thông tại điểm nối hai tuyến đường này như hiện nay. Chỉ huy trưởng công trường Nguyễn Hồng Quang (Công ty TNHH một thành viên 17, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - nhà thầu thực hiện tuyến chính) cho biết, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đơn vị vẫn cố gắng tập trung nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công ba ca để bảo đảm tiến độ. "Chúng tôi kiểm tra, giám sát chặt chẽ sức khỏe người lao động, tất cả đều phải thực hiện nghiêm các quy định về việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi làm việc, hạn chế tiếp xúc. Ai cũng cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc", ông Quang cho biết.
Không chỉ tại dự án này, các công trình giao thông trọng điểm khác do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, đều đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, dự án cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và dự án tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Ðàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3 đều được phấn đấu hoàn thành vào dịp Quốc khánh năm nay. Bên cạnh đó, một số dự án khác sử dụng vốn ngân sách cũng đang được gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị được thi công, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông cho Thủ đô như dự án mở rộng đường Âu Cơ, hầm chui Lê Văn Lương; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...
Tại khu vực cửa ngõ phía đông bắc Thủ đô, huyện Gia Lâm tập trung nguồn lực triển khai hạ tầng giao thông. Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Lê Anh Quân cho biết, trong 15 dự án tuyến đường hạ tầng khung có tổng chiều dài 60 km được thành phố phê duyệt, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng bốn tuyến đường và đang thi công bốn tuyến. Dự kiến, trong năm 2020 sẽ khởi công bốn tuyến; đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị dự án 42 tuyến đường trục chính khớp nối hệ thống giao thông hạ tầng khung với chiều dài 73,2 km, kinh phí 6.200 tỷ đồng, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện Gia Lâm thành quận.
Tại khu vực phía nam thành phố, huyện Thanh Trì cũng triển khai hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo, xây mới đường giao thông. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường cho biết, huyện đang đầu tư xây dựng mới đường giao thông liên xã Tả Thanh Oai - Ðại Áng - Liên Ninh có tổng mức đầu tư 461 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Tứ Hiệp nối quốc lộ 1A với đường Ngọc Hồi - Vũ Lăng; đầu tư cải tạo đường Nguyễn Bồ lên dốc Ðồng Trì, xã Yên Mỹ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020, nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông địa phương theo hướng phát triển đô thị.
Theo Giám đốc Sở Giao thông, vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện, trong những năm qua, nhất là sau khi đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã có chuyển biến tích cực. Ðiều này thể hiện rõ qua sự gia tăng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị. Năm 2015, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị, đến cuối năm 2019 đạt 9,75% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05%. Hàng loạt dự án có quy mô lớn đã được hoàn thành: Ðường Lê Trọng Tấn (Hà Ðông) - một đoạn tuyến của đường vành đai 3,5; đường Phúc La - Văn Phú (Hà Ðông); đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy); đường Tố Hữu; nút giao trung tâm quận Long Biên; tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên (kết nối khu đô thị Ecopark với đường vành đai 3); tuyến đường từ đường Lê Ðức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; bến xe khách Yên Nghĩa; bãi đỗ xe cao tầng: Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan… Trong số này, có nhiều dự án không dùng vốn ngân sách, mà sử dụng vốn BT, vốn vay ODA. Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 41 điểm (năm 2015) xuống còn 34 điểm (tháng 3-2020).
Ða dạng hóa nguồn lực đầu tư
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, với số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn rất lớn (khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn xe ô-tô các loại, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác lưu thông tại Hà Nội) trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới tăng ở mức 0,3%/năm, kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô vẫn đang bị quá tải. Một số công trình đang khai thác đã có lưu lượng xe vượt nhiều lần so với thiết kế, như cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 trên cao có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm (gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế); cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm (gấp 6,3 lần thiết kế); đường Tố Hữu vào các giờ cao điểm lưu lượng vượt khả năng thông hành từ 1,1 đến 1,4 lần…
Do đó, thời gian tới, thành phố tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối. Cụ thể, xây dựng khép kín hệ thống đường vành đai (từ vành đai 1 đến vành đai 4); các tuyến quốc lộ, các trục hướng tâm: Trục tây Thăng Long; trục phía nam; trục Hà Nội - Xuân Mai; trục Tứ Liên - đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên... Ðầu tư tám cầu qua sông Hồng, sông Ðuống theo quy hoạch. Tập trung đầu tư cải tạo sáu nút giao thông trọng điểm gồm nút giao Nguyễn Văn Huyên; hầm chui Lê Văn Lương; hầm chui đường vành đai 2,5 với quốc lộ 1A; nút giao đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long, nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 3 và nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Ðồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Trước mắt hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Ðông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) trong năm 2021.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi. Trước mắt tiếp tục cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố; đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch bao gồm: Vốn vay ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT...), xã hội hóa đầu tư.
Ðể tháo gỡ vướng mắc về cơ chế cho các dự án giao thông trọng điểm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đối với nhóm dự án đang thi công xây dựng, Sở tham mưu cho UBND thành phố tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc tiến độ; tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn. Ðối với nhóm dự án chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện các thủ tục, chủ đầu tư, cơ quan đơn vị được giao trách nhiệm chủ động phối hợp các sở, ngành, để được hướng dẫn trong công tác chuẩn bị hồ sơ bảo đảm chất lượng. Trong bối cảnh việc xác định nguồn lực, quỹ đất thanh toán cho các công trình dự án BT khó khăn, trình tự thủ tục thẩm định phê duyệt dự án phức tạp, kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu cấp bách, Sở tham mưu thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) bằng nguồn vốn ngân sách thành phố; xem xét, cho phép trước mắt chuyển sang đầu tư công năm dự án với tổng mức đầu tư khoảng 29.918 tỷ đồng. Ðối với dự án đường vành đai 4, từ quốc lộ 32 đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do dự án có tính chất kết nối liên tỉnh cho nên thành phố sẽ làm việc với Bộ GTVT và đề nghị đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương.
Hy vọng với các giải pháp đồng bộ, cụ thể này, Hà Nội sẽ đưa các dự án hạ tầng giao thông về đích đúng hẹn, không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, mà còn thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, vùng đồng bằng sông Hồng.