Hà Nội: Đối thoại với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Ngày 27/10, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội phát biểu tại chương trình. (Ảnh: HSS)
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội phát biểu tại chương trình. (Ảnh: HSS)

Tại chương trình, bà Chu Ngọc Mai, Trưởng phòng Quản lý Thu, Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết, đến hết tháng 9 năm nay, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 38,161 tỷ đồng, tăng 3.266,4 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 71,5% kế hoạch. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,1% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Số người tham gia bảo hiểm y tế là 7.576.213 người, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến 30/9/2022, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi trên địa bàn Hà Nội là 1.813,2 tỷ đồng, tăng 205,8 tỷ đồng so với tháng 12/2021. Đây là số tiền nợ cao do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn, nợ 1.374 tỷ đồng chiếm 68% tổng số tiền nợ.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở địa bàn là 1.934.468 người, chiếm 39,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Bên cạnh đó, có 67.425 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 1,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ngoài ra, có 1.868.758 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 38,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cũng đến thời điểm 30/9, trên địa bàn thành phố có 78.853 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với 940.859 lao động.

Số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 1.813,2 tỷ đồng, tăng 205,8 tỷ đồng so với tháng 12/2021. Đây là số tiền nợ cao do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn, nợ 1.374 tỷ đồng chiếm 68% tổng số tiền nợ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… khó khăn. Hơn 12.471 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 1.429,3 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng chú trọng công tác giải quyết các chế độ bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định. Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội luôn được quan tâm, việc chi trả luôn bảo đảm đến tận tay đối tượng trước ngày 10 của tháng, với 2 hình thức chi trả: thông qua hệ thống bưu điện và qua tài khoản thẻ ATM.

Tính đến hết tháng 9/2022, cơ quan này thực hiện chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho gần 590 nghìn lượt người với tổng số tiền 28.148,66 tỷ đồng; giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng cho 8.573 người. Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn là 7.471.022, với chi phí bệnh viện đề nghị thanh toán cho bệnh nhân bảo hiểm y tế là 14.122 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc điều hành Bảo hiểm xã hội Hà Nội Vũ Đức Thuật nhấn mạnh về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với việc đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đồng thời, đại diện Bảo hiểm xã hội Hà Nội mong muốn các đơn vị nhanh chóng khắc phục tiền đóng, lãi chậm đóng để người lao động có sử dụng được thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh; được hưởng chế độ thai sản, ốm đau và được hưởng hưu trí khi về già. Đặc biệt, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu và thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.