Cùng dự có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết, trên cơ sở các chỉ đạo của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố, đến nay việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã đạt được một số kết quả, thể hiện trên tám nhóm nội dung.
Cụ thể, Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng đề án ban hành một số khoản thu phí theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 115. Đáng chú ý, trên cơ sở rà soát, dự kiến khả năng thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, dự kiến nguồn thu này đạt khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Thành phố cũng dự kiến chuyển 8.000 tỷ đồng dư từ nguồn cải cách tiền lương để bố trí đầu tư phát triển.
Về nội dung định hướng đầu tư công, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố đã cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020; kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Thành phố năm 2021 của TP Hà Nội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Qua tổng hợp, nhu cầu đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Hà Nội là hơn 480 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sau khi cân đối các nguồn, thành phố bố trí được hơn 180 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát theo thứ tự ưu tiên để hoàn thiện danh mục các dự án; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tính toán một cách căn cơ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn giải quyết dứt điểm các lĩnh vực còn tồn đọng, thiếu được quan tâm như xử lý môi trường; cấp thoát nước; hệ thống chợ dân sinh; các công trình vệ sinh trường học và các công trình nhà văn hóa đối với các thôn còn thiếu...
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016-2020, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Bí thư Thành ủy cho rằng, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lên khung, những định hướng lớn về tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ xây dựng các kế hoạch chi tiết để trình HĐND thành phố Hà Nội. Quan điểm là các kế hoạch phải gắn chặt chẽ với nhau, bảo đảm triển khai kịp thời, đầy đủ các công trình dự án theo thứ tự ưu tiên và thực hiện các nhiệm vụ củng cố, phát triển hệ thống an sinh xã hội của thành phố.
Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng cần có một cơ quan có vai trò đầu mối trong quá trình triển khai, đồng thời huy động sự tham gia của các ngành, nhất là các viện nghiên cứu, nhà khoa học cùng vào cuộc thực hiện. Về việc hỗ trợ của các quận đối với các huyện trong xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố phải có vai trò điều tiết và việc hỗ trợ phải có mục tiêu cụ thể, tránh dàn trải. Trong giai đoạn tới phải giải quyết dứt điểm việc thiếu các nhà văn hóa thôn; đến năm 2021, phải giải quyết được việc cải tạo, đầu tư 50% các chợ trên địa bàn…
Cùng với việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp để tăng nguồn thu, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố phải kiểm soát chặt tổng mức đầu tư; rà soát để cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn lực cho cải cách tiền lương và chi đầu tư phát triển.