Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên T.Ư Đảng: Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao, hỗ trợ phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các doanh nghiệp KH và CN. Phối hợp các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng chung của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp; phối hợp xúc tiến đầu tư…
Về đóng góp của KH và CN cho phát triển kinh tế xã hội, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của Thủ đô đóng góp gần 46% trong tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (44,3%). Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,65 lần cả nước. Về kết quả nghiên cứu KH và CN, trong 5 năm gần đây (2015 - 2019) tổng số công bố khoa học quốc tế của Hà Nội dẫn đầu cả nước với 15.646 công bố, cao hơn gần 2.000 công bố so TP Hồ Chí Minh.
Đánh giá cao những thành tựu của TP Hà Nội, Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho biết, Hòa Lạc hiện là cái nôi của các mô hình điểm, thúc đẩy phát triển KH và CN dẫn đầu cả nước. Trách nhiệm của Bộ KH và CN, các bộ ngành phải đồng hành, chung sức cùng Thủ đô, thể hiện trách nhiệm, phối hợp, tháo gỡ chính sách để Hà Nội đạt được những mục tiêu đề ra. Trong đó, Bộ KH và CN sẽ đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp hỗ trợ. Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, những điểm sáng mới về khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục được hình thành, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, KH và CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội với 10 nhóm mục tiêu.
Cụ thể, xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của Thủ đô. Hà Nội phấn đấu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, phần đầu tư của xã hội cho KH và CN và đổi mới sáng tạo chiếm 70% tổng đầu tư; tổng đầu tư cho KH và CN và đổi mới sáng tạo không thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô…
Để thực hiện được các mục tiêu này, đồng chí đề nghị Bộ KH và CN phối hợp thành phố trong tham vấn, xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô cũng như thử nghiệm những chính sách mới, mô hình kinh tế mới. Hỗ trợ thành phố trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của TP Hà Nội. Đồng thời, đồng bộ với chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030.
Đồng chí cũng đề nghị Bộ KH và CN phối hợp thành phố phát triển tiềm lực KH và CN Thủ đô; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia KHCN đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của Thủ đô cũng như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về KHCN.
Ngoài ra, đồng chí cũng mong muốn Bộ KH và CN hợp tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về KHCN của Hà Nội kết nối với toàn quốc. Xây dựng vườn ươm công nghệ, công nghiệp hỗ trợ tại Khu CNC Hòa Lạc. Hai bên cũng cần phối hợp trong nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, xây dựng thị trường, hệ sinh thái KH và CN và đổi mới sáng tạo.