Hà Nội có thêm tuyến phố mang tên giáo sư đầu ngành chống lao Phạm Khắc Quảng

NDO -

Ngày 22-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tham dự Lễ gắn biển tuyến phố Phạm Khắc Quảng tại phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. GS Phạm Khắc Quảng là người học trò kế tục xuất sắc sự nghiệp của BS Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Y tế đầu tiên và Viện trưởng Viện chống lao đầu tiên, nay là Bệnh viện Phổi Trung ương.

Hà Nội có thêm tuyến phố mang tên giáo sư đầu ngành chống lao Phạm Khắc Quảng

Tham dự sự kiện này, có các đồng chí lãnh đạo vụ, cục, văn phòng Bộ, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Hà Nội thuộc Bộ Y tế. Về phía Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và lãnh đạo Quận ủy, UBND, UB MTTQ Quận Long Biên; phường Giang Biên và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Cùng đại diện gia đình GS Phạm Khắc Quảng, danh nhân Hoàng Minh Đạo. Buổi lễ được long trọng tổ chức do UBND quận Long Biên và Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp thực hiện.

Phố Phạm Khắc Quảng (quận Long Biên) là đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Phúc Lợi tại toà nhà Ruby City 1, đến ngã ba giao cắt ô quy hoạch C.6/CXTP phường Giang Biên. Dài: 965 m, rộng: 19,5m. Tuyến phố Phạm Khắc Quảng thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội được đặt tên thực hiện theo Quyết định số 5725/QĐ-UBND ngày 29-12-2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là một trong những tuyến phố đẹp thuộc quận Long Biên.

Phát biểu tại buổi lễ, GS, TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng tôi vui mừng được về đây làm lễ chính thức gắn tên phố Phạm Khắc Quảng. Đây là niềm tự hào của ngành y nói chung và chuyên ngành lao và bệnh phổi nói riêng, là một việc làm có ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục truyền thống lịch sử ngành sâu sắc cho các thế hệ thầy thuốc luôn phấn đấu tận tụy, hết mình vì người bệnh nghèo, vì sức khỏe của nhân dân. Chúng tôi, những thế hệ kế tiếp nguyện đem hết sức mình để tô thêm những nét son vào truyền thống ngành y Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

GS Phạm Khắc Quảng (1912- 2000) nguyên quán tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là người học trò kế tục xuất sắc sự nghiệp của BS. Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Y tế đầu tiên và Viện trưởng Viện chống lao đầu tiên, nay là Bệnh viện Phổi Trung ương. GS Phạm Khắc Quảng là Viện trưởng kế tiếp Viện chống lao và là Chủ nhiệm Bộ môn Lao trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội chống lao nay là Hội Phổi Việt Nam.

Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, ông đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc thông qua hoạt động mặt trận tổ quốc với 40 năm làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội từ năm 1955 đến 1994. Giáo sư là Ủy viên của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Ủy ban đoàn kết với các nước châu Á, Phi, Mỹ La Tinh; Ủy ban đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước.

GS Phạm Khắc Quảng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhì, Huy chương kháng chiến chống Pháp Hạng nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng ba. Năm 2006, Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và năm 2012, Bộ Y tế truy tặng Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về công tác phòng, chống lao và bệnh phổi, Nhà giáo nhân dân năm 1990.

Trải qua nhiều năm công tác, trên nhiều cương vị, ông luôn đem hết khả năng, thời gian và công sức để chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và viết sách. Hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông đã có nhiều công trình khoa học. Nổi bật nhất “Chương trình chống lao 10 điểm” của ông đã được áp dụng từ những năm 1976 đã góp phần quan trọng vào việc phòng chống lao ở nước ta.

Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống lao tại Việt Nam (24-3)

Hiện nay, Việt Nam vẫn có hơn 20 nghìn người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Với mục tiêu cơ bản là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao, “Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB” được Bộ trưởng Nội vụ đã ký, ban hành Quyết định số 380/QĐ-BNV thành lập vào ngày 16-3-2018.

Đây là là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc.

Hết tháng 12-2020, Quỹ đã hỗ trợ cho 2.560 lượt người bệnh với tổng số tiền lên tới hơn 5,7 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020, Quỹ hỗ trợ cho 1.441 lượt người bệnh tương đương với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm đóng góp được 1,3 tỷ đồng.

Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:

- Thời gian: Bắt đầu từ 0 giờ ngày 22-3-2021 đến 24 giờ ngày 21-5-2021.

- Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402

(20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của 11 nghìn người một năm hiện nay và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta.